Vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam được nghiên cứu trên biến chủng mới của SARS-CoV-2

09:44 23/01/2021
Vaccine phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam có tên Covivac bắt đầu khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người từ ngày 21/1.

So với vaccine Nanocovax đã thử tiêm nghiệm giai đoạn 1 trước đó, vaccine này tiêm liều thấp hơn và bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Đặc biệt, Covivac được phát triển trên biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân và nhiều nước đã tiến hành thử nghiệm. Đại dịch COVID-19 đang lây lan chóng mặt trên toàn cầu với số ca mắc sắp chạm ngưỡng 100 triệu người, việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công vaccine “Made in Việt Nam” sớm sẽ giúp chúng ta ngăn chặn đại dịch.

Vaccine tương đối an toàn

Sáng 21/1, tại Trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra lễ "Khởi động chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac". Vaccine Covivac là sản phẩm hợp tác giữa Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Trường Đại học Y Hà Nội và các tổ chức quốc tế.

Ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, Covivac được sản xuất bằng công nghệ véc tơ Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện protein S của virus SARS-CoV-2. Vaccine Covivac được sản xuất dựa trên công nghệ sản xuất trứng gà có phôi. Vaccine Covivac này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Covivac được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.

"Chủng vaccine Covivac được đánh giá tính ổn định tại Đại học Y khoa Icahn, Mount Sinai, New York, Mỹ", ông Dương Hữu Thái cho biết. Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine Covivac đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan thẩm định ngày 19-1.

Vaccine Covivac an toàn và dung nạp tốt trên hai mô hình động vật thí nghiệm. Về đáp ứng sinh miễn dịch trên chuột ICR thì vaccine tạo đáp ứng sinh kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 hoang dại.

IVAC đã sản xuất thành công 10 lô vaccine để gửi mẫu đánh giá chất lượng và thử tiền lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam và tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

IVAC đã hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chấtvới quy mô ước tính là 6 triệu liều/năm và có thể mở rộng lên tới 30 triệu liều một năm. IVAC có trang trại nuôi 20 nghìn con gà, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên liệu chính dùng cho sản xuất vaccine cúm và nghiên cứu sản xuất vaccine Covivac.

Các bạn sinh viên đến tư vấn và đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine Covivac sáng 21/1.

Cuối năm 2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đánh giá, giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine Covivac cho thấy tính sinh miễn dịch cao. Điều kiện bảo quản vaccine không quá ngặt nghèo như các vaccine khác trên thế giới.

Vaccine cũng rất phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Đặc biệt, theo ông Tác, Covivac được nghiên cứu dựa trên biến chủng mới của SARS-CoV-2. “Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào vaccine này”, ông Tác khẳng định.

GS.Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, từ ngày 21/1, tại Trường Đại học Y Hà Nội, nhóm nghiên cứu sẽ bắt đầu tư vấn và tiếp nhận tình nguyện viên đăng ký, tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được tiến hành tại Trung tâm Dược lý lâm sàng của Đại học Y.

Theo Hiệu trưởng Tạ Thành Văn, kể từ khi được lãnh đạo Bộ Y tế giao nhiệm vụ, chỉ trong 10 ngày nhà trường đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện về cơ sở vật chất, nhân lực cho việc triển khai thử nghiệm lâm sàng và cam kết: Việc thử nghiệm sẽ được tiến hành một cách chuẩn mực, bài bản, đúng tiến độ và đạt mục tiêu đề ra. 

Còn GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ nhận thử nghiệm giai đoạn 1, 2 và khi có kết quả tốt sẽ triển khai giai đoạn 3.

Nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 5 nhóm sử dụng các liều vaccine 1mcg, 3mcg, 10mcg, 1mcg có bổ sung tá chất và sử dụng giả dược. Mỗi người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (vaccine hoặc giả dược) cách nhau 28 ngày.

Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vaccine thử nghiệm vào tháng 2-2021. Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vaccine cho thấy đạt tiêu chuẩn về an toàn và có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.

Trước câu hỏi vì sao liều tiêm của vaccine Covivac khác với Nanocovax của Công ty NANOGEN đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trước đó, GS Đặng Đức Anh cho biết: Công nghệ của Nanocovax khác với công nghệ của vaccine Covivac vì có hàm lượng kháng nguyên khác nhau. Nanocovax có hàm lượng kháng nguyên cao hơn, nhưng điều này không ảnh hưởng tới tinh chất của kháng nguyên của vaccine đó.

 Mục đích cuối cùng là có vaccine tạo đáp ứng miễn dịch. Đối tượng được lựa chọn để tiêm vaccine này là người từ 18-59 tuổi tại Việt Nam. Sau khi tình nguyện viên ký biểu mẫu, khám sàng lọc sẽ được tiêm vaccine và lưu lại Đại học Y Hà Nội trong 24 giờ, theo dõi phản ứng tại chỗ. Hết thời gian sẽ trở về nhà tự theo dõi dưới sự hướng dẫn của cán bộ nghiên cứu và trao đổi trực tuyến.

Mũi tiêm thứ 2 cách 28 ngày. Sau khi tiêm xong, tình nguyện viên ở lại theo dõi trong 4 giờ và về nhà. Sau đó, các tình nguyện viên đến khám thêm 5 lần để thu thập dữ liệu. Giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng dự kiến thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, phản ứng thường gặp sau tiêm là đau, ban đỏ, sưng tấy… IVAC đã mua bảo hiểm sản phẩm để chi trả cho việc điều trị các thương tích liên quan đến nghiên cứu. 

Dự kiến vào tháng 5/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1, giai đoạn 2 thử nghiệm sẽ tiến hành từ tháng 7 đến tháng 9/2021 và giai đoạn 3 vào cuối năm 2021.

Ngay buổi sáng khởi động đầu tiên đã có hàng chục người đến tư vấn, đăng ký thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac, đa số là các bạn sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội và một số trường đại học khác trên địa bàn. 

Nữ sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Em đã suy nghĩ trong 5 ngày để quyết định đến đăng ký thử nghiệm vaccine. Cái gì cũng có tính hai mặt nên em đã chuẩn bị tâm lý. Em được tư vấn rất kỹ, trong quá trình thử nghiệm sẽ có một số tác dụng phụ. Là sinh viên chuyên ngành y tế dự phòng, có hiểu biết nhất định nên em không lo lắng lắm”. 

Nữ sinh viên quê ở Hà Tĩnh cho biết, khi gọi điện về gia đình nói chuyện sẽ đăng ký thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, bố mẹ không phản đối. "Nếu em được chọn tham gia thử nghiệm sẽ đóng góp một phần công sức vào quá trình nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam. Em hy vọng việc thử nghiệm thành công và sớm có vaccine đưa ra thị trường để phòng đại dịch", nữ sinh viên chia sẻ.

Theo TS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội: “Trong sáng 21/1, chúng tôi chủ yếu tư vấn về lứa tuổi, lợi ích và nguy cơ của việc tiêm thử nghiệm. Lợi thế của người thử nghiệm là sau này, khi chúng ta có vaccine đưa vào tiêm phòng, nếu người thử nghiệm có kháng thể cao thì không phải tiêm lại nữa".


Trần Hằng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文