Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại huyện ven thành phố
- Bác thông tin thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
- Trẻ mắc tay chân miệng tăng gấp 5-6 lần
- Bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp
Theo HCDC, Bình Chánh hiện là một trong các quận, huyện có sự gia tăng số trường hợp bệnh tay chân miệng và đã có những trường hợp bệnh tại trường học. Để phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, huyện đã tăng cường hướng dẫn các trường học sử dụng Chloramin B để vệ sinh khử khuẩn; thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe đến người dân bằng các hình thức như: tờ rơi, băng rôn, xe loa di động…
Trung tâm y tế huyện Bình Chánh tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng |
Mới đây, HCDC cũng thực hiện giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại huyện Bình Chánh. Đoàn giám sát đề nghị huyện cần tập trung chú trọng đến hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, tập trung vào những cụm dân cư có đông trẻ, chú trọng công tác giám sát y tế dựa vào sự kiện.
Đoàn giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại một trường mẫu giáo ở huyện Bình Chánh |
Tại các trường học trên địa bàn, khi xuất hiện một số trẻ có dấu hiệu sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế để điều tra, xử lý. Huyện cần tăng cường giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm trong trường học, thực hiện đúng quy định vệ sinh khử khuẩn trong trường học.
Theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch tay chân miệng xuất hiện vào khoảng tuần 39-44 của năm và sau đó giảm dần. Dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh có thể tiếp tục tăng theo mùa và có thể xuất hiện thêm số ca bệnh nặng cũng như hình thành các ổ dịch ở trường mầm non, nhóm trẻ và cộng đồng.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Đoàn giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại một khu nhà trọ ở huyện Bình Chánh |
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.