Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng trong trường mầm non
- Lo ngại bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian tới
- Bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp
- Chủ động giữa “tâm” dịch tay – chân – miệng và sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương rải rác có các ca tay chân miệng nhập viện điều trị. Chị Hoàng Thị Lan, ở Hà Nội, có con 4 tuổi đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho biết: “Ban đầu chỉ thấy con sốt, sau đó thấy nổi các vết ở chân, tay và miệng, cho con đi khám mới biết mắc tay chân miệng”.
Con điều trị tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Hoàng Thị Oanh (Bắc Ninh) kể: Con sốt mấy ngày không đỡ, chân nổi nốt, quấy khóc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh chuyển cháu lên đây điều trị. Được mấy ngày con đã đỡ hơn rồi”.
Khăn mặt của trẻ mầm non thường xuyên được giặt sạch, phơi khô |
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, vì vậy các bậc phụ huynh thường xuyên cho con rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch để giữ vệ sinh đôi tay của trẻ luôn sạch.
Đồ chơi của trẻ ở nhà hay trường học thường xuyên phải rửa sạch để tránh trẻ lây bệnh. Gia đình thấy trẻ có biểu hiện tay chân miệng phải cho trẻ nghỉ ở nhà theo dõi và báo với nhà trường, sau đó cho trẻ đến cơ sở y tế thăm khám.
Để kiểm soát bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo.