Ai phải đi khám hậu COVID-19?

18:23 18/02/2022

Di chứng của COVID-19 khiến nhiều F0 sau khi khỏi bệnh từ 2-3 tháng phải đi khám, thậm chí nhập viện cấp cứu vì hội chứng hậu COVID-19. Gần đây, nhiều phòng khám đưa ra gói khám hậu COVID-19 giá từ 2 đến 7 triệu đồng. Nhưng theo khuyến cáo của chuyên gia, không phải ai mắc COVID-19 cũng đi khám hậu COVID-19 và nếu không tỉnh táo trong lựa chọn, có thể sẽ bị lãng phí tiền bạc.

Hậu COVID-19 gây ra những di chứng gì?

Gần đây, số người đi khám hậu COVID-19 gia tăng, đặc biệt là ở phía Bắc. Một số gia đình không biết con mắc COVID-19, chỉ khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốc, suy giảm chức năng tim mạch, có dấu hiệu đông máu phải thở máy, lọc máu do mắc hội chứng viêm MISC (hội chứng viêm đa hệ thống - một bệnh hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ) mới biết con mình từng là F0. Nhiều cơ sở y tế, phòng khám đưa ra các gói khám hậu COVID-19 giá từ 2 đến 7 triệu đồng.

Tại Hội nghị khoa học thường niên Medlatec Group “Quản lý chất lượng và phòng chống COVID-19” chiều 18/2, PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc COVID-19 có biểu hiện hội chứng hậu COVID-19. Hậu COVID-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mặc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.

SASR-CoV-2 tấn công vào tất cả các cơ quan của cơ thể ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, giai đoạn hậu COVID-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan, nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi COVID-19 như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi và khứu giác vẫn còn… nhưng hội chứng hệ hô hấp là chủ yếu. Triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc COVID-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng.

“Nguyên nhân gây tình trạng hậu COVID là do virus SARS–COV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo...”, PGS Phượng cho biết.

Theo  PGS Phượng, tổn thương đa cơ quan, xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất ở hội chứng hậu COVID-19. Những F0 phải nhập viện điều trị, đặc biệt là điều trị Hồi sức tích cực (ICU) hay gặp hội chứng hậu COVID-19, còn bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hầu như ít gặp.

“Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu COVID là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi kẽ từ trước, mức độ nặng phải thở oxy, thở máy”, PGS Phượng cho hay.

Có cần thiết phải đi khám hậu COVID-19?

Trước tình trạng nhiều người mắc các triệu chứng hậu COVID-19 đã xuất hiện nhiều phòng khám quảng cáo các gói khám hậu COVID-19 như gói: Chuyên sâu, cơ bản, trung bình, …với giá từ 2 đến 7 triệu/đồng. Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, khói gám chuyên sâu hậu COVID-19 là 6,4 triệu đồng, gói cơ bản 2,4 triệu đồng…Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh có gói 2,1 triệu đồng…Tại Hà Nội, Bệnh viện Vinmec, Hồng Ngọc cũng đưa ra thông tin về gói khám chuyên sâu hậu COVID-19.

Để xử lý tình trạng “loạn” giá khám hậu COVID-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn chấn chỉnh và giao cho Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, đồng thời yêu cầu các phòng khám, bệnh viện không tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, không gợi ý ép buộc người bệnh tham gia các gói khám sức khỏe hậu COVID-19.

Trên thực tế, nhiều người mắc COVID-19 khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu COVID-19. Vậy đối tượng nào thì nên đi khám hậu COVID-19?

Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu COVID-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc COVID-19 đều đi khám hậu COVID-19, như vậy sẽ rất lãng phí. “Những người phải có triệu chứng của hậu COVID-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19”, PGS Phượng khuyến cáo.

Nhiều bệnh nhân đi bệnh viện khám hậu COVID-19.

Đối với trẻ nhỏ, tỷ lệ hậu COVID-19 như thế nào? PGS Phượng cho biết: Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh, 30% người lớn mắc COVID bị hậu COVID-19, nhưng ở trẻ nhỏ chỉ chiếm 15-20%. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em còn khá tốt, sức phục hồi của trẻ em tốt hơn do chưa có bệnh nền, nên không đáng lo ngại.

PGS Phượng cũng cho biết thêm, trẻ em mắc COVID-19 triệu chứng không nặng. Những trường hợp đã tiêm vaccine, tỷ lệ triệu chứng nặng giảm mạnh và bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là trẻ em. 

“Mặc dù tỷ lệ rất rất nhỏ trẻ nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện dấu hiệu nặng, nhưng các phụ huynh không nên chủ quan, mà phải quan tâm đến triệu chứng đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ mà uống thuốc hạ sốt 2 lần không hạ thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để có sự hỗ trợ. Phải quan tâm đến nhịp thở của trẻ như: Trẻ dưới 12 tuổi nhịp thở phải trên 30 lần/phút, trẻ vài tháng đến 1 tuổi nhịp thở phải trên 60 lần. Mẹ không biết đếm nhịp thở của con thì nhìn thấy con có cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc thì phải liên hệ với y tế cơ sở để có sự hỗ trợ sớm nhất. F0 điều trị tại nhà hiện rất lớn, trong đó có trẻ em, nên vai trò của người thân chăm sóc trẻ nhỏ rất quan trọng”, PGS Phượng cho hay.

Theo hướng dẫn của PGS Phượng, cách đo nhịp thở cho trẻ là đặt lòng tay lên lồng ngực của trẻ (dưới hõm ức), nhịp thở di động theo nhịp tay; hoặc nhìn hõm ở trên cổ của trẻ thay đổi nhịp thở để đếm.

Trần Hằng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文