Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhiều sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế

12:36 10/05/2022

Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, phát hiện hàng loạt gói thầu có sự chênh lệch rất lớn giữa giá nhập và giá trúng thầu, đáng nói có trường hợp chưa đấu thầu mà đã biết chắc trúng thầu…

Nhiều gói thầu chênh lệch giá rất lớn

Kết quả thanh tra từ thời điểm ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch với tổng giá trị mua sắm đã thanh toán là hơn 206 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, về trang thiết bị y tế (TTBYT), Sở Y tế thực hiện 6 gói thầu mua 25 thiết bị với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng, các cơ sở y tế thực hiện 14 gói thầu hơn 1,4 tỷ đồng. Về vật tư y tế (VTYT), sinh phẩm, kit xét nghiệm, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (CDC) thực hiện 12 gói thầu với giá trị trúng thầu hơn 123 tỷ đồng, các cơ sở y tế thực hiện mua sắm 141 gói thầu riêng lẻ với giá trị hơn 11,7 tỷ đồng… 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (CDC).

Liên quan đến gói thầu mua sắm TTBYT, đợt 1 năm 2020 có 5 gói thầu mua sắm theo hình thức chỉ định thầu thông thường, Sở Y tế ký hợp đồng thuê 2 đơn vị tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất, tư vấn thẩm định hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo KLTT, mặc dù thiết bị được thẩm định là hàng nhập khẩu nhưng các đơn vị tư vấn không khảo sát thực tế, không thu thập báo giá từ các nhà nhập khẩu trực tiếp hoặc phân phối độc quyền… Các hợp đồng thu thập là tài liệu photo, hầu như không có hóa đơn, biên bản nghiệm thu bàn giao và thanh lý hợp đồng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tờ khai hàng hóa nhập khẩu trong hồ sơ đấu thầu của các gói thầu đều bị tẩy xóa thông tin giá nhập khẩu. Mặt khác, việc thực hiện các thủ tục bàn giao, hợp đồng mua bán và nghiệm thu chưa được chặt chẽ, chênh lệch giữa giá trúng thầu với với giá nhập khẩu tăng 171% và giá mua vào tăng 47,6%.

Qua thu thập các thông tin từ giai đoạn báo giá thẩm định giá cho đến giai đoạn cung cấp trang thiết bị cho thấy, tại gói thầu số 3, tỷ lệ tăng giá trúng thầu so với giá nhập khẩu là 187%. Trong đó có gói thầu là hơn 15 tỷ đồng nhưng giá trị hàng nhập là 8,6 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí và thuế, lợi nhuận đơn vị trúng thầu thu được từ gói thầu là hơn 3,2 tỷ đồng.

Gói thầu số 4, giá trúng thầu hơn 22,3 tỷ đồng, trong khi đó giá mua vào hơn 11 tỷ đồng và chi phí liên quan (không có chứng từ) hơn 5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí thì đơn vị trúng thầu lãi sau thuế hơn 6,1 tỷ đồng.

Tương tự, các gói thầu số 5, số 6, số 7, giá nhập vào so với giá trúng thầu cũng chênh lệch rất lớn.

Theo KLTT, việc đánh giá hồ sơ đề xuất của các đơn vị tư vấn là chưa chính xác, vì nhà thầu cung cấp các mặt hàng không đủ điều kiện mua TTBYT. Cụ thể, các thiết bị giúp thở, thiết bị xét nghiệm, hệ thống máy PCR, thiết bị cấp cứu, máy hấp tiệt trùng, hệ thống đo thân nhiệt từ xa, máy đo thân nhiệt cầm tay, máy phun dịch khử khuẩn… trong hồ sơ đề xuất gói thầu của các công ty trúng thầu đều thể hiện. Nhưng thực tế theo hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán TTBYT trước đó các công ty trúng thầu không có các thiết bị này.

KLTT cho rằng việc đơn vị tư vấn đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu vẫn xác định nhà thầu đủ điều kiện năng lực là có dấu hiệu vi phạm quy định về luật đấu thầu.

Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện nhiều sai sót về việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch… (hình minh họa).

Nhà thầu biết trước kết quả đấu thầu (?!)

Với các gói thầu mua sắm VTYT, sinh phẩm, hóa phẩm do Sở Y tế thực hiện thì có 6 gói thầu với giá trị hơn 67,9 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cho thấy, gói thầu mua sắm VTYT, công cụ, dụng cụ và hóa chất sát khuẩn năm 2020 giá trúng thầu hơn 11,6 tỷ đồng nhưng thực tế doanh nghiệp trúng thầu không có sẵn hàng hóa mà đi mua từ 2 đơn vị khác, mặt hàng này được mua vào ban đầu với giá 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 24/58 mặt hàng nhập khẩu chênh lệch tăng giữa giá trúng thầu với giá nhập khẩu là 238%.

Gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với giá trúng thầu hơn 17,1 tỷ đồng. Nhưng giá mua vào hơn 11,9 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá mua vào hơn 5,2 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu cho biết, trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu được là hơn 1,7 tỷ đồng. Gói thầu này có 24/26 mặt hàng nhập khẩu chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu là 229%.

Gói thầu mua hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch đợt 1/2020 với giá trúng thầu hơn 1,4 tỷ đồng. Theo báo cáo của đơn vị trúng thầu thì hàng được mua với đơn giá 121 ngàn đồng/kg (Cloramin B) với tổng số tiền hơn 992 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản thuế và chi phí thì lợi nhuận thu hơn 208 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tờ khai hải quan ghi nhận giá nhập khẩu thì giá nhập vào chỉ hơn 17 ngàn đồng/kg.

Về kết quả thanh tra gói thầu mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (đợt 5) với giá gói thầu hơn 18,8 tỷ đồng, kết quả có một đơn vị trúng thầu với giá 17,5 tỷ đồng (nhà thầu này và Sở Y tế, CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký hợp đồng).

Kết quả thanh tra cho thấy, mặc dù chưa biết kết quả đấu thầu nhưng trước đó nhà thầu đã bàn giao hàng cho đơn vị sử dụng trước. Điều này “chứng tỏ nhà thầu đã biết chắc chắn về kết quả đấu thầu tại gói thầu này (trước khi có kết quả đấu thầu rõ ràng) hoặc đã có sự thỏa thuận giữa bên mời thầu và nhà thầu…”, KLTT chỉ rõ.

Liên quan đến các gói thầu của CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện gồm 6 gói thầu, có 1 gói chỉ định thầu thông thường, 3 gói chỉ định thầu rút gọn và 3 gói đấu thầu rộng rãi.

KLTT cho rằng có nhiều gói thầu giá dự toán gói thầu và giá trúng thầu chưa đảm bảo sát với giá thị trường, giá nhập khẩu chênh lệch gấp nhiều lần so với giá trúng thầu. Như tại gói mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm RT-PCR, cơ quan Thanh tra đối chiếu giá nhập khẩu của 24/25 mặt hàng theo các tờ khai hải quan thì tổng giá trị hơn 7,1 tỷ đồng trong khi đó giá trúng thầu hơn 23,3 tỷ đồng (chênh lệch tăng hơn 16,2 tỷ đồng).

Ngoài các gói thầu mua sắm, Sở Y tế và CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn mượn của 6 công ty, trong đó có mượn của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) hơn 28.000 test và 3 máy xét nghiệm PCR. Đến nay, các cơ quan này đã trả lại máy và chưa thực hiện thủ tục mua sắm, thanh toán liên quan số lượng kit xét nghiệm COVID-19 có nhãn hiệu Việt Á đã sử dụng…

Với hàng loạt dấu hiệu sai sót trong quá trình mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ rõ Sở Y tế, CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Tài chính… phải chịu trách nhiệm trước những thiếu sót, sai phạm như KLTT nêu ra. 

Phú Lữ - Phương Linh

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文