Bác sĩ Chợ Rẫy chỉ ra nguyên nhân gây thiếu thuốc, hoá chất trong điều trị
Sáng 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã làm việc, khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc. Những nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, hoá chất, trang thiết bị, làm ảnh hưởng tới việc điều trị cho bệnh nhân đã được các bác sĩ nêu rõ trong cuộc họp.
Bác sĩ Trần Thành Vinh, Trưởng Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tình trạng thiếu hóa chất, thiếu trang thiết bị hiện nay đang tạo gánh nặng lớn, không đủ xét nghiệm trả cho người bệnh, dẫn đến nguy cơ bác sĩ không đủ kết quả để chẩn đoán, ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị.
Cũng theo BS Vinh, hiện nay, phần lớn trang thiết bị của bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Với hình thức tặng máy, các nhà cung cấp lớn và nhiều quốc gia không khuyến khích, trong nước chưa có chủ trương. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hết sức cân nhắc khi tiếp nhận máy tặng vì lo ngại vướng phải vấn đề phí bảo trì, bảo dưỡng. Trong khi đó, hình thức máy thuê lại chưa có hướng dẫn, muốn mua máy mới lại không có tiền. BS Vinh nhận định: "Hình thức máy mượn, máy đặt là hợp lý nhất, giúp cho lĩnh vực xét nghiệm rất nhiều".
TS.BS Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học dẫn chứng ở các quốc gia khác, máy đặt hay mượn trong 3-5 năm sẽ có hóa chất trọn gói 3-5 năm. Phần lớn máy móc hóa chất hiện nay là máy đóng, hóa chất vật tư đi kèm, không thể đem hóa chất máy này dùng cho máy kia, máy không thể vận hành hoặc nếu có cũng không cho kết quả chính xác.
TS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phân tích cho rằng, cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện không tính khấu hao. Bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay, các đời máy đều đã cũ. Bệnh viện không tìm ra nguồn tiền để mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt. “Trong giai đoạn khi chưa cơ cấu khấu hao vào giá dịch vụ y tế, cần phải cho phép máy đặt máy mượn. Nếu không, bệnh viện đến phải đóng cửa vì hầu hết các hệ thống máy đều đặt và mượn, đi theo hóa chất đặc thù”. Bà Hải nhấn mạnh.
Ông Tôn Văn Tài, Trưởng đơn vị đấu thầu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, đối với giá hàng hoá mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế thì giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, mà cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất”. Thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hoá phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Vì vậy, nếu đưa ra tiêu chí chọn giá rẻ nhất khi mua sắm thì sẽ khó có hàng hoá tốt để phục vụ người bệnh.
Theo đó, ông Tài kiến nghị cần có cơ chế cho phép các bệnh viện từ hạng 1 trở lên được lựa chọn thương hiệu trong việc mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó. Ông Tài cũng đề cập, cần có quy định chi tiết như thế nào là “tình huống cấp bách trong y khoa”, tổ chức nào trong cơ sở y tế được thẩm quyền xác định tình huống cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh để cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ cho bệnh nhân. Ví như thuốc Protamin sulfat dùng trong phẫu thuật tim mạch bị thiếu trong thời gian vừa qua và hiện nay trên thị trường không có. Vì vậy, các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị thì đề nghị Bộ Y tế cần đưa vào danh mục mua sắm tập trung hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo có thuốc điều trị bệnh nhân. Vì nếu thực hiện đấu thầu rộng rãi thì thời gian đấu thầu thông thường ba tháng mới hoàn thành, gây tình trạng thiếu thuốc.
Thạc sĩ Huỳnh Hữu Pho, Trưởng phòng Trang thiết bị Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện rất nhiều nhưng gặp khó khăn. Đó là việc xác định giá, bao gồm giá đầu vào để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau khi đấu thầu có kết quả, giá chọn phải thấp hơn giá kê khai của nhà thầu. Tuy nhiên thiết bị y tế là thiết bị đặc thù, giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cấu thành, tính năng của thiết bị, yêu cầu kỹ thuật. Nếu nhà cung cấp không cung cấp cụ thể thông tin từng phần của thiết bị, việc xác định giá phù hợp rất khó.
Tiếp đến, một số thiết bị thế hệ mới chưa cung cấp về Việt Nam, một số thiết bị đặc thù, công nghệ cao cũng hạn chế nhà sản xuất. Ví dụ, máy xạ trị hiện chỉ có 2 nhà sản xuất trên thế giới, nên việc lập kế hoạch mua sắm căn cứ trên 3 báo giá là rất khó. Ngoài ra, hiện chưa có quy định cập nhật giá thị trường. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung giá mà Bộ Y tế quy định.
Trước những khó khăn trong quá trình tự chủ tài chính của bệnh viện, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất cần xác định lại thành phần cơ cấu dịch vụ y tế, đảm bảo thanh toán đủ 7 cấu phần trong giá dịch vụ y tế. Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng cần xem xét tổng mức thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Nghị định 146. Khi lo ngại vượt hạn mức chi phí thanh toán, các bác sĩ phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ khác như chọn thuốc trong và ngoài danh mục BHYT chi trả, thuốc thanh toán theo tỷ lệ… để cân đối chi phí điều trị cho người bệnh. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.