Bài cuối: Phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để điều trị F0
Theo các chuyên gia, muốn giảm bệnh nhân nặng, giảm tử vong, quan trọng nhất của Hà Nội hiện nay tăng cường năng lực của y tế cơ sở để phù hợp với tình hình hiện tại.
Tết Nguyên đán đang cận kề, trước biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta, cùng với biến thể Delta, dự kiến số ca mắc sẽ tăng cao, nhất là ở Hà Nội - nơi có giao thương, đi lại lớn. Trong hơn 10 ngày qua, Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước với số ca mắc mới. Hà Nội phải xây dựng kịch bản mới dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2, 3. Theo các chuyên gia, muốn giảm bệnh nhân nặng, giảm tử vong, quan trọng nhất của Hà Nội hiện nay tăng cường năng lực của y tế cơ sở để phù hợp với tình hình hiện tại.
Quá tải thu dung, điều trị F0 thể nhẹ tại chỗ
Bà Hoàng Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, trên địa bàn quận đang có hơn 2.000 người nhiễm COVID-19, quận đã thành lập 18 trạm y tế lưu động tại 18 phường để thu dung, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng. Trong thời gian qua, có nhiều F0 đã điều trị khỏi bệnh về nhà.
Tới Trạm Y tế lưu động thu dung người bệnh COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng, số 72 Trần Đại Nghĩa, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, chúng tôi được bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm cho biết: “Do thiết lập từ ký túc xá nên điều kiện cơ sở vật chất của Trạm rất khó khăn. Thời gian cao điểm nhất chúng tôi tiếp nhận hơn 190 bệnh nhân mà chỉ có 6 người gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 2 y tá đảm nhiệm. Làm việc liên tục cường độ cao, có nhiều khi quá bữa chưa được ăn cơm vì bệnh nhân còn đang cần mình. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ở đây đều triệu chứng nhẹ, một số ít chuyển nặng được chúng tôi theo dõi chặt chẽ, đánh giá tiên lượng, khi bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp là chuyển viện ngay. Đến nay chúng tôi đã chuyển 7 F0 lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Mê Linh và Bệnh viện Thanh Nhàn”.
Theo BS Huệ, từ khi đi vào hoạt động, Trạm đã thu dung 25 trẻ em dưới 12 tuổi, trong đó cháu bé nhất sinh năm 2020. Tuy nhiên các cháu đều có triệu chứng nhẹ. Đưa vào hoạt động từ ngày 14/12, Trạm Y tế lưu động số 72 Trần Đại Nghĩa có công suất 250 giường bệnh. Đến ngày 31/12, Trạm điều trị cho 256 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 171 người khỏi bệnh ra viện, hiện còn 78 F0 đang điều trị. BS Huệ cho biết, sau 14 ngày vào điều trị cho F0 ở đây, kíp bác sĩ, nhân viên y tế của chị đã được về và kíp khác vào thay. Tuy nhiên, hàng ngày chị vẫn tham gia công tác điều trị tại đây.
Chia sẻ với tôi vào chiều 1/1, giọng BS Huệ khàn khàn bởi chị phải trả lời điện thoại tư vấn liên tục cho F0 ở nhà. Chị cho biết, cả Trạm Y tế phường Đồng Tâm có 9 cán bộ, nhân viên y tế. Ngoài điều trị cho F0 ở Trạm Y tế lưu động, chị còn điều trị cho hàng chục F0 ở nhà qua điện thoại, Zalo. Đến nay, cả phường Đồng Tâm có hơn 100 F0 điều trị tại nhà, đã có hơn 70 người khỏi bệnh, còn hơn 30 ca đang điều trị. “Đa số các bệnh nhân sử dụng gói thuốc A. Nếu F0 ho, tôi tư vấn cho bệnh nhân mua thêm thuốc chống dị ứng, long đờm. Điện thoại, Zalo của tôi mở 24/24 giờ để nhận các cuộc gọi”, BS Huệ nói.
Tới Trạm Y tế lưu động phường Bạch Mai ở 46 phố Hồng Mai được thiết lập tại trường tiểu học, chúng tôi thấy cơ sở vật chất khá khang trang, sạch sẽ. Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai cho biết, do chủ động trong công tác phòng, chống dịch nên Trạm Y tế lưu động phường Bạch Mai được thành lập sớm nhất của quận Hai Bà Trưng. “Cả phường hiện có 167 F0, trong đó có 38 F0 điều trị tại nhà. Các F0 đều được tiếp cận với y tế, không có chuyện F0 không được tư vấn và bỏ mặc. Từ khi dịch bùng phát, phường nhận được nhiều sự ủng hộ túi thuốc A cho F0, chúng tôi phát xuống cho người bệnh”, bà Dương cho biết.
Theo bà Dương, nhiều F0 sau khi xét nghiệm dương tính đã xin ra Trạm Y tế lưu động. “Hiện Trạm đang điều trị cho 17 F0, trong đó có 5 trẻ em, đa số đều là người bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, có người 7 ngày thì ra viện, có người nhanh 3 ngày đã xét nghiệm âm tính”, BS Nguyễn Thùy Linh, Trạm Trưởng Trạm Y tế lưu động Bạch Mai cho biết.
Nhân lực, trang thiết bị thiếu
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Yến, nhân lực y tế điều trị F0 tại nhà của quận Hai Bà Trưng đang rất mỏng khi số lượng F0 tăng mạnh trong thời gian qua, dẫn tới lực lượng y tế rất khó khăn. Hiện nay, mỗi trạm y tế có từ 6-8 nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ là trạm trưởng, thậm chí có trạm không có bác sĩ đa khoa mà chỉ có bác sĩ đông y. Thành ủy, HĐND TP có chỉ đạo huy động các lực lượng ở các ban ngành đoàn thể điều trị F0 tại nhà và sắp tới đưa lực lượng thanh niên làm nòng cốt cùng với lực lượng y tế vào giúp điều trị F0 tại nhà. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc huy động bác sĩ nghỉ hưu tham gia cùng y tế cơ sở điều trị F0, bà Yến cho biết rất khó khăn, có vận động nhưng rất ít người tham gia.
Tại Trạm Y tế lưu động phường Bạch Mai, theo BS Nguyễn Thùy Linh rất may mắn phường vận động được BS Lê Minh Phúc, làm việc ở phòng khám răng hàm mặt (106 phố Hồng Mai) tham gia điều trị F0. BS Phúc điều trị F0 tại Trạm 10 ngày, sau đó về nghỉ ngơi và tiếp tục quay trở lại. Tuy nhiên, không phải địa bàn nào cũng huy động được BS tư nhân tham gia vào chống dịch. Theo bà Yến, tới đây quận sẽ có 1 tổ tư vấn điện thoại hỏi thăm chăm sóc F0 tại nhà hàng ngày, tùy theo thể trạng sẽ tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc.
Đống Đa là quận có số ca mắc COVID-19 cao nhất của Hà Nội, tại 21 phường đã thành lập 21 trạm y tế lưu động. Song, ngoài thiếu nhân lực y tế cơ sở, cơ sở thu dung điều trị F0 còn thiếu trang thiết bị y tế. Tại buổi khảo sát của đoàn lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai mới đây tại cơ sở thu dung, điều trị F0 tại ký túc xá Trường Đại học Thủy Lợi cho thấy, cơ sở đang quản lý, điều trị và theo dõi cho 400 F0, khu thu dung này có thể nâng cấp để tiếp nhận được 800 F0 tuỳ theo tình hình dịch. Tuy nhiên, cả khu thu dung không có phòng cấp cứu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Bạch Mai đã đề nghị mỗi tầng của toà nhà nơi đang điều trị F0 cần bố trí ngay 1 phòng cấp cứu, có trang bị bình oxy và các phương tiện cấp cứu để sẵn sàng cấp cứu khi người bệnh F0 có triệu chứng trở nặng trong khi liên hệ chuyển lên tầng cao hơn. Cần bố trí đủ cơ số thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và chuẩn bị sẵn các thuốc điều trị bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Bệnh viện tầng trên cần bố trí cơ số giường để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng. Việc đánh giá, phân loại bệnh nhân để nâng tầng hoặc hạ tầng cần thực hiện thường quy hằng ngày và liên thông giữa các cơ sở thu dung, các trạm y tế lưu động và bệnh viện tầng trên. Để hỗ trợ nhân lực chống dịch cho quận Đống Đa, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 26 bác sĩ, nhân viên y tế đến 21 trạm y tế lưu động và 2 cơ sở thu dung, quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 của quận tại Đại học Thủy Lợi và Đại học Ngoại thương.
Hà Nội đã tiếp nhận, điều trị cho gần 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó, xấp xỉ 50% đã khỏi, hiện còn hơn 28.000 người đang được bố trí ở các tầng điều trị, trong đó, chủ yếu điều trị tại nhà điều trị tại trạm y tế lưu động và các cơ sở thu dung. Theo chia sẻ của BS Yến, y tế cơ sở đang quá tải, làm việc không có thời gian. Vì vậy, rất mong nhà nước quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội cần huy động cán bộ y tế bao gồm sinh viên, những cán bộ y tế đã nghỉ hưu…, tập huấn, phân công công việc hợp lý cho họ để tham gia cùng y tế cơ sở; thiết lập mạng lưới thầy thuốc đồng hành những người đã nghỉ hưu cũng như những người vẫn còn đang làm việc để hỗ trợ điều trị F0 qua điện thoại, Zalo… để người dân được tiếp cận với y tế một cách sớm nhất. Muốn làm được điều này thì địa phương phải quan tâm đến chế độ, chính sách động viên lực lượng y, bác sĩ, người tình nguyện tham gia chống dịch.