Bắt đầu áp dụng giá giường dịch vụ cao nhất 4 triệu đồng

06:58 17/08/2023

Bắt đầu từ 15/8, các bệnh viện công áp dụng mức giá khám, chữa bệnh dịch vụ mới theo Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Vấn đề người dân quan tâm nhất của Thông tư này là giá giường dịch vụ cao nhất lên tới 4 triệu đồng/phòng/giường; giá khám giáo sư tối đa 500 nghìn đồng và không được kê quá 20% giường dịch vụ.

Khó thực hiện giường 4 triệu

Trước khi Thông tư 13 có hiệu lực, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nơi khám dịch vụ giáo sư đã có mức 500 nghìn đồng. Tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, giá khám bác sĩ 300 nghìn đồng, khám trưởng, phó khoa 400 nghìn đồng và khám giáo sư 500 nghìn đồng.

Theo nhân viên chăm sóc khách hàng, giá giường dịch vụ thấp nhất tại đây là 1,5 triệu đồng, cao nhất 2,5 triệu đồng/giường/phòng. "Mức giá này tôi thấy đã là cao với bệnh viện hạng I rồi, không nên tăng nữa", một bệnh nhân khám ở đây cho biết.

Cùng là bệnh viện hạng I của Hà Nội, giá khám dịch vụ cao nhất ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là 150 nghìn đồng, giá giường cao nhất 500 nghìn/ngày đêm. TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Mỗi ngày bệnh viện có khoảng 1.200 bệnh nhân tới khám, trong đó chỉ có 12% sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn lại là khám bảo hiểm y tế (BHYT) và không làm thêm các yêu cầu khác. Hiện bệnh viện đang thực hiện 20 dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu.

Giường dịch vụ giá 1,5 triệu đồng tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá -Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

"Chúng tôi chỉ có 90 giường dịch vụ/800 giường bệnh, chưa được 15%. Thực hiện Thông tư 13, bệnh viện hạng I như Đức Giang giá khám theo yêu cầu cao nhất 400 nghìn đồng, giường bệnh 2 triệu đồng. Chúng tôi xây dựng giá nhưng đảm bảo mặt bằng chung và thu nhập của người dân ở quanh khu vực, không xây dựng giá cao để phục vụ được nhiều đối tượng người bệnh hơn", TS Thường cho biết.

Là bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước, trước khi có Thông tư 13, Bệnh viện Bạch Mai có giá khám chữa bệnh theo yêu cầu thấp nhất hiện nay, không bằng bệnh viện hạng I. Cụ thể, khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 120 nghìn đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70 nghìn đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngay ngày đầu Thông tư 13 có hiệu lực, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã áp dụng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 13. Từ 15/8, giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400 nghìn đồng; giá khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350 nghìn đồng; khám thạc sĩ, bác sĩ là 300 nghìn đồng. Phương châm của bệnh viện là xây dựng mức giá "bình dân" để phục vụ được càng nhiều người bệnh. Riêng mức giá giường 4 triệu đồng, bệnh viện chưa xây dựng.

"Chúng tôi đang tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người bệnh tốt hơn. Bạch Mai không xây dựng giá dịch vụ quá cao để phục vụ được đại chúng", PGS Cơ cho biết thêm. Theo một chuyên gia y tế nguyên là lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương, Thông tư 13 đã "cởi trói" cho các bệnh viện công, minh bạch trong khám chữa bệnh. Nhưng để thực hiện Thông tư không đơn giản, đặc biệt thu giá giường dịch vụ tới 4 triệu đồng - ngang với khách sạn 5 sao. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu với giá 4 triệu đồng/giường thì người bệnh được hưởng những quyền lợi gì? "Bệnh viện hạng đặc biệt có thể có những bác sĩ giỏi, nhưng điều kiện về cơ sở vật chất của các bệnh viện công hiện nay không thể như các bệnh viện tư được. Nếu thu giường 4 triệu đồng phải có phòng riêng, có đầy đủ khu vệ sinh khép kín, dịch vụ ăn uống, tắm giặt hiện đại…

Hiện, để thu được 4 triệu đồng, các bệnh viện hạng đặc biệt phát huy thế mạnh là có chuyên môn giỏi, nhưng phải đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của bệnh nhân như: bác sĩ mổ, phương tiện, không phải chờ đợi khi xét nghiệm, chụp chiếu, chờ mổ…", vị chuyên gia này nói.

Giá khám BHYT vẫn như cũ

Thông tư 13 cũng quy định giá nhiều dịch vụ y tế khác như phẫu thuật nội soi robot giá tối đa hơn 134 triệu đồng, tối thiểu hơn 91 triệu đồng đối với điều trị các bệnh lý lồng ngực; phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hoá, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất hơn 96,6 triệu đồng. Với chẩn đoán hình ảnh dịch vụ, mức giá cao nhất chụp PET/CT mô phỏng xạ trị là 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu hơn 19,7 triệu đồng.

Trước khi Thông tư 13 có hiệu lực, ở một số cơ sở y tế, có khoa phòng, giường dịch vụ chiếm tới 50-60%. Bắt đầu từ 15/8, quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước. Đồng thời, tỷ lệ thời gian chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%, 70% còn lại phục vụ khám chữa bệnh BHYT. Theo nhiều người, nếu không có sự giám sát và kiểm tra, tỷ lệ này rất dễ vi phạm.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, bệnh viện đã rà soát thế nào là giường theo yêu cầu, theo định mức cho phép và yêu cầu các đơn vị thực hiện không vượt quá 20%. "Nếu vượt quá, lạm dụng, sẽ ảnh hưởng và gây thiệt thòi đến bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Ông Cơ cũng khẳng định: Ban giám đốc bệnh viện sẽ sát sao giám sát việc thực hiện quy định này. Nếu người bệnh không có nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu thì khám thông thường như bình thường. Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có). Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT_BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BYT.

Từ 15/8 áp dụng quy định mới về giá dịch vụ theo yêu cầu, nhưng viện phí chung mới tăng theo lương cơ sở (lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng kể từ ngày 1/7) thì thời hạn áp dụng sẽ chậm hơn. Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) - đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng thông tư hướng dẫn viện phí mới - các chuyên gia đã họp thống nhất dự thảo trước khi gửi Bộ Tài chính xin ý kiến, vì thế viện phí mới sẽ áp dụng nhanh nhất cũng phải từ tháng 10 tới.

Trần Hằng

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Ngày 11/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Lò Minh Phương (SN1991, trú tại tổ 2, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La), nguyên nhân viên ngân hàng trên địa bàn TP Sơn La về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viên thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 11/5, Phòng CSHS phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị chức năng đã triệt phá nhóm đối tượng có hành vi Lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan đến thông tin Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam Hoàng Đình Tùng và vợ Trần Thị Hồng Nga về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, chiều 11/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng các đối tượng môi giới trong đường dây này và xác minh, làm rõ thêm nhiều người đã được tổ chức cho xuất cảnh hoặc đã đăng ký, nộp tiền cho cặp vợ chồng này.

Cắt khóa, dập lửa, cứu người, cứu hàng hóa...một cách nhanh gọn lẹ của 22 "Tổ liên gia an toàn PCCC" trong Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức cho thấy người dân đã bắt đầu ý thức được việc PCCC, cứu nạn cứu hộ, có thêm nhiều kinh nghiệm và các Tổ liên gia an toàn PCCC phát huy được hiệu quả...

Hai đối tượng gồm Đào Văn Nhật Tùng (SN 1985) và Lê Văn Minh (SN 1984, cùng trú tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Bị phát hiện đang khai thác cát trái phép, Tùng và Minh đã điều khiển tàu tháo chạy rồi dùng ống xịt áp suất lớn phun nước về phía phương tiện của lực lượng chức năng.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện một chiếc xe ô tô đầu kéo gặp sự cố khiến hàng trăm lít dầu nhớt đổ ra đường, Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc phối hợp Tổ công tác Trạm CSGT Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng triển khai thu dọn vết dầu tránh gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文