Bệnh nhân COVID-19 can thiệp ECMO đầu tiên của Hà Nội hồi sinh đầy kỳ tích

12:50 17/09/2021

Ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn công bố bệnh nhân chạy ECMO đầu tiên của Hà Nội khỏi bệnh sau 50 ngày nhập viện và điều trị hồi sức tích cực, nhiều lần bên bờ vực sinh tử.

Trong khuôn viên bệnh viện, anh Hoàng Văn Ngọc, 48 tuổi (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) chia sẻ với phóng viên: Tôi không nghĩ mình còn sống và khỏe mạnh lại như bây giờ. Sau bao ngày kích thích vật vã, không thở nổi, sau đó là hôn mê, tôi tỉnh lại và dần dần hồi phục. Có được sức khỏe như bây giờ, tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Anh Hoàng Văn Ngọc là bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đầu tiên được triển khai can thiệp ECMO tại bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội và được cứu sống thành công. Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối của Thủ đô tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Anh Hoàng Văn Ngọc hồi sinh sau 50 ngày điều trị tích cực do mắc COVID-19 (Ảnh: Trần Hằng)

Anh Ngọc sống trong khu vực ổ dịch phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đầu tháng 8 cả gia đình anh được đưa đi cách ly tập trung do nhà sát vách có trường hợp F0. Lúc này, nhà anh đã có 3 người nhiễm COVID-19. Đến ngày 12 được xét nghiệm để chuẩn bị rời khỏi khu cách ly tại Thanh Trì, anh Ngọc được phát hiện nhiễm COVID-19, nồng độ virus rất cao. Anh được chuyển chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Đống Đa. Là người không có bệnh nền, trước khi nhiễm COVID-19 anh Ngọc hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày nhập viện, bệnh tình chuyển biến nặng rất nhanh. Đến này thứ 5, anh được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Thanh Nhàn (ICU) trong tình trạng nguy kịch, phổi đông đặc, suy hô hấp và gần như ngừng.

ThS.BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: "Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp như lọc máu hấp thụ, thở ôxy dòng cao. Tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh, tổn thương phổi nặng, suy hô hấp".

ThS.BS Lê Văn Dẫn, một trong những bác sĩ trực tiếp can thiệp ECMO và điều trị cho bệnh nhân Ngọc (Ảnh: Trần Hằng)

Thời khắc quyết định can thiệp ECMO ngay trong đêm 8/8 là khi bệnh nhân gần như ngừng tim, chỉ số SpO2 dưới 55%, mạch có biểu hiện chậm. Đặc biệt chỉ số huyết áp không đo được. Các bác sĩ phải nhanh chóng dùng hỗ trợ các loại thuốc vận mạch, đặt ống nội khí quản sớm và quyết định chạy ECMO coi như biện pháp cuối cùng với hy vọng cứu sống người bệnh.

Trong quá trình can thiệp ECMO, các bác sĩ gặp không ít thách thức do tình trạng ôxy máu của bệnh nhân liên tục đe dọa và giảm nhanh, luôn phải có bác sĩ điều chỉnh hệ thống máy thở để bảo đảm ôxy cho quá trình can thiệp ECMO trong 3 tiếng thành công. 3 ngày đầu, tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch. Các chỉ số về ô-xy, huyết động và đặc biệt tình trạng rối loạn đông máu chưa được kiểm soát, phải theo dõi sát sao và điều chỉnh liên tục.

Đến ngày thứ 3, tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi ôxy trong máu đã có tín hiệu tăng dần nhưng phổi vẫn bị tổn thương nặng, đông đặc, xơ hóa. Dần dần, bệnh nhân có sự hồi phục, ôxy trong máu lên, huyết áp ổn định hơn. Các bác sĩ quyết định dừng an thần để đánh giá ý thức và thấy bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ. Lúc này các bác sĩ mới thở phào vì quyết định can thiệp ECMO đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Ngọc cùng ekip bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã can thiệp ECMO và điều trị cho anh suốt những ngày qua. (Ảnh: Trần Hằng)

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, là bệnh viện tuyến cuối được Hà Nội chỉ định điều trị bệnh nhân COVID, hầu hết ca nằm tại đây nặng, nguy kịch, có nhiều bệnh lý nền và đã có rất nhiều trường hợp nặng, nguy kịch được cứu sống. Đến nay Bệnh viện Thanh Nhàn đã điều trị cho 604 trường hợp F0, có những thời điểm bệnh viện có tới 140 bệnh nhân nặng và rất nặng điều trị.

Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 130 bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện có một dàn máy can thiệp ECMO và đây là trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được quyết định can thiệp tim phổi nhân tạo. Trong quá trình triển khai, Bệnh viện Thanh Nhàn đã nhận được sự tư vấn về chuyên môn rất sát sao của các chuyên gia đầu ngành tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng và lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn chúc mừng bệnh nhân Ngọc khỏi bệnh (Ảnh: Trần Hằng)

Sau gần 50 ngày nằm viện, anh Hoàng Văn Ngọc đã khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm âm tính và được ra viện hôm nay 17/9. Anh gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn trong lúc anh tuyệt vọng nhất đã động viên anh về mặt tinh thần và nỗ lực, kiên trì cứu sống anh. Dù hiện tại sức khỏe chưa hồi phục, chân còn yếu do nằm nhiều ngày và tinh thần còn chưa tỉnh táo sau can thiệp ECMO, nhưng anh Ngọc đã vô cùng xúc động và cho biết, anh sẽ cố gắng phục hồi chức năng để sớm có sức khỏe trở lại, dành nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình.

Chúc mừng bệnh nhân trong ngày ra viện, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) là biện pháp cuối cùng để cứu sống người bệnh trong tình trạng suy hô hấp, phổi đông đặc. Việc bệnh nhân được cứu sống đã tiếp thêm năng lượng cho các y, bác sĩ tiếp tục kiên trì hơn nữa trong điều trị người bệnh COVID-19.

Trần Hằng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文