Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh
Từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận số ca sốt xuất huyết có dấu hiệu phải nhập viện tăng hơn 3 lần so với tháng 8. Nhiều bệnh nhân tới viện trong tình trạng cô đặc máu, sốc, suy đa tạng...
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nếu trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 ca vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250 ca. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên, sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
"Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Chúng tôi lo ngại trong tháng 11, 12 tới sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi COVID-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch như cúm, sởi, thủy đậu, aenovirus,...", PGS Cường nhấn mạnh
"Nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Chúng tôi đã có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu", PGS Cường nói.
Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 - 20 G/L.
"Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường”, PGS Cường nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.
PGS Cường khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân có thể uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sang ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.