Bệnh viện 19-8 với nhiều tiến bộ mới trong điều trị ung thư phổi
Theo số liệu của Globocan 2020 (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc ung thư phổi, 112.690 ca tử vong. Rất nhiều người đến khám, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến cho việc điều trị khó khăn.
Nâng cao tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư phổi di căn
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện 19-8 chia sẻ tại Hội nghị khoa học “Ứng dụng các dấu ấn sinh học ung thư trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi, điều trị” tổ chức vào ngày 15/12, có tới 80% ca bệnh ung thư phổi có mô học là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ngày nay, với những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, việc điều trị căn bệnh này đã có nhiều triển vọng.
Theo BS Phương, hầu hết những bệnh nhân ung thư phổi tới Bệnh viện 19-8 được chẩn đoán khi đã có hạch. Phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm gồm phẫu thuật, điều trị bổ trợ sau phẫu thuật; giai đoạn tiến xa hơn, di căn thì hoá trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch hoặc hoá trị kết hợp miễn dịch, hoặc xạ trị khi di căn não, xương.
Điển hình là bệnh nhân nam, 56 tuổi, chẩn đoán ung thư phổi, xét nghiệm gene không có đột biến, các bác sĩ đã tiến hành điều trị hoá chất. Sau 3 đợt truyền, khối u đã nhỏ đi và sau 6 lần truyền, kích thước khối u đã nhỏ hơn. “Nếu trường hợp này xét nghiệm có đột biến gene thì lựa chọn của bác sĩ sẽ khác, đó là sử dụng thuốc đích. Hiện bệnh viện có đầy đủ thuốc để điều trị căn bệnh này”, BS Phương nói.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 36 tuổi, mắc ung thư biểu mô tuyến phổi, sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đã lựa chọn thuốc đích điều trị. Sau 6 tháng sử dụng thuốc, khối u bay hoàn toàn, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u đã trở về bình thường.
Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện 19-8 cho rằng, khó nhất trong điều trị ung thư phổi là di căn não. Phương pháp hiện nay là điều trị đích và mang lại kết quả rất khả quan. Trước đây, bệnh nhân ung thư phổi di căn não điều trị sống vài tháng là khó khăn, nhưng giờ đây, tại Bệnh viện 19-8, có bệnh nhân 8 năm vẫn sống. Chia sẻ về ca bệnh nữ, 45 tuổi, mắc ung thư phổi biểu mô tuyến, BS Phương cho hay, ca bệnh này ngay khi phát hiện đã có tổn thương di căn não, được sử dụng thuốc đích thế hệ thứ 3. Sau 3 tháng chụp lại tổn thương não, khối di căn đã bay hết, vì vậy không phải làm thêm xạ trị. “Tuy nhiên, với trường hợp tổn thương lớn thì vẫn phải tiếp tục kết hợp xạ trị”, BS Phương nhấn mạnh.
Hay trường hợp bệnh nhân nam, 48 tuổi (Nghệ An), ung thư phổi đã di căn não, có hạch ở thượng đòn, xét nghiệm có đột biến gene kháng thuốc, các bác sĩ đã lựa chọn phác đồ thuốc đích phối hợp với xạ trị cho người bệnh. Hơn 1 năm điều trị, bệnh nhân đến khám cho thấy tổn thương não đã hết, hạch ở thượng đòn không còn. Tương tự, trường hợp bệnh nhân nam 35 tuổi (Quảng Ninh) khi phát hiện ung thư phổi thì đã di căn não, di căn gan. Trường hợp này trực tiếp trị xạ vào não, sau 2 năm chụp lại não không còn di căn. Đến nay đã được 3 năm, bệnh nhân vẫn đi làm bình thường, chất chỉ điểm khối u trở về bình thường.
Mở ra nhiều hy vọng
TS.BS Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, nếu chỉ định đúng cho các bệnh nhân ung thư phổi thì kết quả điều trị sẽ tốt. Lựa chọn phương pháp điều trị cũng phải tính đến kinh tế của người bệnh. Trước đây, thuốc đích có giá thành khá đắt, từ 20-30 triệu đồng/tháng, nay giá thành hạ chỉ còn 2-3 triệu/tháng, người bệnh được BHYT chi trả 50%, nên không còn là gánh nặng với bệnh nhân ung thư nữa. Hiện nay, điều trị miễn dịch cũng là một phương pháp tối ưu cho bệnh nhân ung thư phổi, đặc biệt là các trường hợp di căn xương, gan. Trước đây, điều trị miễn dịch người bệnh sẽ phải chi trả khoảng 120 triệu đồng/tháng, nhưng nay các hãng dược đã giảm giá thành, chỉ còn 30 triệu/tháng. Có bệnh nhân sau một thời gian điều trị miễn dịch, các tổn thương di căn đã bay hoàn toàn. Đặc biệt, đối với bệnh nhân trong lực lượng CAND, điều trị miễn dịch hay thuốc đích được BHYT chi trả 100%.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, trước đây bệnh ung thư phổi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi, ngày nay tỷ lệ mắc căn bệnh này đã trẻ hoá, có người 30 tuổi, 40 tuổi đã mắc, đặc biệt phụ nữ bị ung thư phổi cũng tăng lên. Nguyên nhân mắc ung thư phổi liên quan đến khói thuốc lá, thuốc lào, môi trường, khói bụi amiăng…
“Ngày nay, những tiến bộ trong chẩn đoán sinh học phân tử, đã hỗ trợ rất nhiều trong chẩn đoán cũng như định hướng lựa chọn các phương pháp điều trị cá thể hoá cho điều trị ung thư phổi. Vì vậy, với bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, di căn thì thời gian sống của người bệnh được cải thiện nhiều so với trước đây. Nếu trước đây đã ở giai đoạn di căn não, xương, gan… thường thời gian sống thêm chỉ 3 tháng đến 1 năm; ngày nay đã có trường hợp chúng tôi điều trị ở giai đoạn di căn rồi, thời gian sống kéo dài lên 8-10 năm. Đây là tín hiệu vui khi ở Việt Nam đã tiếp cận được các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, từ đó đem lại kết quả điều trị tối ưu nhất”, PGS.TS Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, thế giới đã có chương trình sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư phổi trên những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh, đó là sử dụng chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp. Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam cũng có chiến lược này, để đánh giá các điểm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và đối tượng nguy cơ cao được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp để phát hiện bệnh.