Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh công bố 100 ca phẫu thuật não, tủy sống thành công đầu tiên bằng Robot AI
Kỹ thuật mổ u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não bằng Robot AI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế cấp phép. Bộ cũng chỉ định Bệnh viện trở thành cơ sở đào tạo nhân rộng chuyên môn này.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu Robot mổ não AI hiện đại này. Trên thế giới chỉ có 14 nước sử dụng, đa phần ở các quốc gia phát triển.
Tại buổi tọa đàm công bố 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI, ThS. BS. CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, chia sẻ niềm tự hào khi chứng kiến hàng trăm người bệnh đã khỏe mạnh, đi lại, sinh hoạt bình thường sau khi được phẫu thuật bằng Robot AI.
Nhờ Robot AI mổ não và tủy sống thế hệ mới hiếm có trên thế giới, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã phẫu thuật cứu được nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm gần như hết hy vọng khi “bị trả về” do không dám mổ điều trị trước đó.
Nhiều người bệnh đã đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc sáng mắt trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn. Nhiều trẻ 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống.
“Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hồi sinh như vậy”, bác sĩ Tấn Sĩ nói.
Bác sĩ Tấn Sĩ là kỷ lục gia châu Á, người đầu tiên tại Việt Nam thực hiện mổ não bằng Robot AI. Ông và các cộng sự tại khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh là êkip duy nhất tại Việt Nam có chuyên môn và kinh nghiệm vận hành, làm chủ công nghệ Robot này. Bệnh viện đang hướng đến xây dựng trung tâm mổ não và tủy sống AI hiện đại tại Việt Nam
Ông cho biết thêm 100 ca mổ não và tủy sống chỉ là con số khiêm tốn trong hơn 12.000 ca mổ thần kinh, sọ não mà ông đã thực hiện trong hơn 30 năm qua. Nhưng đây là những ca mổ đặt dấu mốc quan trọng của cá nhân ông khi gắn với công nghệ Robot ứng dụng công nghệ AI hiện đại hàng đầu thế giới, góp phần mở ra “cuộc cách mạng” cho cả bác sĩ lẫn người bệnh Việt Nam.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết kỹ thuật mổ não truyền thống có hạn chế là bác sĩ chỉ quan sát được khối u, máu tụ và các mô não lành trên những hình ảnh X-quang, CT, MRI riêng biệt, chứ không thể nhìn thấy tổng thể các cấu trúc này cùng lúc trên một hình ảnh. Vì vậy, bác sĩ khó có được góc nhìn tổng thể để tránh làm tổn thương các cấu trúc quan trọng khi phẫu thuật.
Kỹ thuật mổ não, tủy sống truyền thống chủ yếu phụ thuộc vào thực tế quá trình bác sĩ mở hộp sọ, vùng tủy hoặc đưa thiết bị nội soi vào nhưng cũng chỉ quan sát được ở một góc độ theo khả năng của camera nội soi. Bác sĩ chỉ có quỹ thời gian hạn hẹp ở thời điểm đang mổ để ra quyết định, không chủ động định vị được đường mổ an toàn trước.
Do đó, dù có kinh nghiệm bác sĩ cũng có nhiều nguy cơ phạm phải các bó sợi thần kinh, cấu trúc não lành hoặc làm vỡ thêm mạch máu lớn khi mổ. Người bệnh đối mặt khiếm khuyết chức năng thần kinh, di chứng không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, Robot AI kết hợp với hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh siêu hiện đại, giúp bác sĩ có thêm "những con mắt thần" để nhìn thấy được toàn diện cấu trúc não hoặc tủy sống, bao gồm cả khối u, khối máu tụ, trên cùng một hình ảnh không gian 3 chiều (3D)
Cụ thể, Robot AI có thể “hòa hình” các hình ảnh CT, MRI, DTI, DSA… để tạo nên một hình ảnh 3D có độ phân giải rất cao. Nhờ đó, giúp bác sĩ thấy rõ toàn bộ bên trong sọ não, định vị chính xác khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các cấu trúc não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh. Đồng thời, công nghệ AI còn chỉ ra các đường tiếp cận khối u, khối máu tụ mà không làm tổn thương các bó sợi thần kinh hay vùng não, vùng tủy lành.
Robot AI cho phép bác sĩ "mổ mô phỏng" trên phần mềm chuyên dụng. Nhờ đó, bác sĩ có nhiều thời gian nghiên cứu các phương án, lựa chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống an toàn và hiệu quả nhất, tránh phạm phải các cấu trúc lành.
Khi mổ chính thức, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ, Robot giúp định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống; dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo để bác sĩ đảm bảo cuộc mổ diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu đã được xác lập tại cuộc mổ mô phỏng trước đó.
Khi tiếp cận khối u, bác sĩ có thêm hệ thống “cắt hút siêu âm Cusa” chuyên dụng để “đánh nhỏ”, giảm kích thước, hút và loại bỏ hoàn toàn u não, u tủy sống ra ngoài. Chức năng thần kinh của người bệnh được bảo toàn tối đa, phục hồi nhanh, về nhà sớm.
Robot AI còn được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh ứng dụng trong mổ não thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não (ENRICH). Kỹ thuật này được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là “cuộc cách mạng” trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não, mang đến nhiều ưu điểm, giúp người bệnh hồi phục nhanh, hạn chế di chứng.