Bị biến dạng khuôn mặt vì khối u hiếm vùng tuyến nước bọt
Bệnh nhân Đinh Văn N (55 tuổi, tỉnh Bình Định), trong một lần cạo râu phát hiện hàm trái sưng hơn hàm phải. Sau khi sờ nắn không thấy đau và không có triệu chứng gì nên không đi khám. Vài tháng sau, thấy hàm trái ngày càng to lên, ông N đến bệnh viện địa phương thăm khám và được khuyên chuyển viện lên tuyến trên để làm xét nghiệm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, qua khám lâm sàng và chẩn đoán sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có một khối u mặt bên trái căng phồng hơn bên phải ở vị trí góc hàm và vùng cổ trên, gây biến dạng.
ThS.BSCKII Trần Thị Thuý Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, khối u di động, không dính vào dưới da, sờ nắn không đau, rất may chưa ảnh hưởng đến chức năng nhai, nuốt và nói của người bệnh và được chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Hằng cho biết, hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ u luôn là lựa chọn hàng đầu trong các phương pháp điều trị u đa dạng tuyến nước bọt.
Bên cạnh đó, xạ trị cũng là phương pháp điều trị cho hiệu quả tốt. Việc quyết định phương pháp điều trị sẽ dựa trên nhiều yếu tố bao gồm đảm bảo lấy trọn được các tổn thương để tránh tái phát, không làm tổn thương mô xung quanh, đảm bảo về mặt thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân N, khối u tuyến nước bọt nằm ở thùy nông, dù kích thước to nhưng khả năng gây tổn thương các dây thần kinh khi phẫu thuật thấp nên mổ loại bỏ khối u là lựa chọn được ưu tiên.
U tuyến dưới hàm là một dạng của u tuyến nước bọt hiếm gặp. Nguyên nhân gây ra u tuyến nước bọt, bao gồm cả u tuyến dưới hàm đến nay vẫn chưa được xác định. Nhiều giả thuyết cho rằng, yếu tố gen di truyền có thể giúp giải mã các bí ẩn trên. Yếu tố nguy cơ góp phần tăng tỷ lệ xuất hiện các u tuyến nước bọt lành tính, u Warthin là hút thuốc lá. U tuyến nước bọt thường xảy ra ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên và tương đối ít gặp ở người dưới 30 tuổi.