Bị tổn thương thần kinh tuỷ sống do sử dụng bóng cười
Một học sinh 15 tuổi (Quảng Ninh) bị tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân do ngộ độc khí N2O sau thời gian sử dụng bóng cười dài ngày đã phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 17/4, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh nhân V.T.L.A (15 tuổi, trú tại Quảng Ninh) đến khám tại phòng khám Nội 3, Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân, yếu dần, đi lại khó khăn, kèm theo sụt cân nhiều.
Trước đó, học sinh này đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả. Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Căn cứ vào thăm khám lân sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh rễ thần kinh tủy sống cổ, theo dõi do ngộ độc khí cười N2O.
Bệnh nhân được chỉ định nhập viện, điều trị tại Khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy và được sử dụng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, thuốc bổ thần kinh kết hợp điều trị oxy cao áp theo phác đồ.
Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí N2O do sử dụng bóng cười dài ngày. Các triệu chứng thần kinh chủ yếu thường gặp như tê bì, yếu hoặc yếu nhẹ tay chân, đi lại không vững có hoặc không có tổn thương tủy cổ…
N2O hay còn gọi là khí cười là một trong những hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Chất này vào cơ thể, dạng khí, sẽ chiếm chỗ oxy làm thiếu oxy, ức chế thần kinh trung ương, gây ra nhiều cảm giác phê, hoang tưởng. N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, ảo giác tương tự heroin.
Nếu sử dụng bóng cười nhanh và ít sẽ gây cười, hưng phấn thoáng qua. Nếu sử dụng N2O với số lượng lớn, trong thời gian dài ngày có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực.
Theo các bác sĩ, người bệnh có thể bị rối loạn như cảm giác tê bì, yếu chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12…Nghiêm trọng hơn gây ra ức chế, hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể, tử vong. Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp.
Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân 26 tuổi ở Sơn La được đưa vào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị do ngộ độc khí N2O. Theo lời kể của nữ bệnh nhân, cô sử dụng bóng cười (khí N2O) từ năm 2018 khi tham gia buổi liên hoan cùng nhóm bạn. Cảm giác lần đầu sử dụng chỉ là mùi vị khét lẹt, có phần khó chịu, nhưng sau vài lần hít bóng cười, cô đã dần quen và “nghiện” lúc nào không hay.
Trong 1 năm trở lại đây, cô cùng nhóm bạn gái khoảng 5-6 người, thường xuyên tụ tập chơi bóng cười. Ngày nào hút ít thì khoảng 10 trái, còn nhiều thì vô kể. Nhận ra hít bóng cười chẳng khác nào nghiện ma túy, hơn 1 tháng trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân đã quyết định “cai bóng”.
Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau “cai bóng”, cô gái trẻ bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và sốt nhẹ, đi lại không vững, chân mềm liên tục té ngã. Đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, sau khi châm cứu khoảng 10 ngày, nửa thân dưới của cô gái liệt hẳn, không thể nhúc nhích.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của các ca ngộ độc khí N2O. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.
Hiện nay, bất chấp sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, bóng cười vẫn có thể tìm mua được và sử dụng. Hậu quả từ việc sử dụng bóng cười có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là giới trẻ thích khám phá cảm giác lạ.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân, nhất là giới trẻ không nên thử giải trí hay sử dụng bóng cười để tránh lạm dụng, phụ thuộc khí N2O, nên có lối sống lành mạnh bằng việc tập thể dục, thể thao, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.