Các bệnh viện phải thắt chặt kiểm soát, không bỏ lọt F0

08:08 04/10/2021

Sau 4 ngày phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đến tối 3/10 đã ghi nhận 33 ca mắc, trong đó có 26 ca ở Hà Nội và 7 ca ở 4 tỉnh khác. Theo đánh giá của CDC Hà Nội, chùm ca bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên phục vụ. Từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có bệnh nhân chuyển viện khác, người nhà đi theo chăm sóc đã trở thành F0. Các bệnh viện bảo vệ như thế nào để không bỏ lọt F0?

Nguy cơ dịch lan ra bệnh viện khác

Tối 2/10, Hà Nội xác định có 1 ca dương tính là người nhà bệnh nhân điều trị tại tầng 7, nhà D Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 22-28/9, sau đó chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 3/10, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trước khi có ca F0, Viện vẫn duy trì xét nghiệm tầm soát 1 tuần/lần đối với nhân viên y tế, bệnh nhân; người nhà bệnh nhân xét nghiệm 2 lần/đợt điều trị. Người đến khám, chữa bệnh đều yêu cầu phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính. Đối với nhân viên y tế đi lấy máu ở các tỉnh làm xét nghiệm bất kỳ lúc nào, có thể 1 tuần xét nghiệm 2 lần.

Đo thân nhiệt và kiểm soát người ra vào tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Về trường hợp nữ bệnh nhân và người nhà (con trai) đi cùng chuyển từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sang ngày 28/9, tuy đã có xét nghiệm âm tính từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, song Viện vẫn cho cách ly tại tầng 1 để lấy mẫu xét nghiệm PCR. Ngày 29/9, cả hai đều có kết quả âm tính, bệnh nhân được chuyển lên tầng 7, Khoa Điều trị hóa chất. Ngay sau khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thông báo về các ca dương tính, Viện Huyết học – Truyền máu đã tiến hành lấy mẫu của hai mẹ con bệnh nhân. Ngày 1/10, người con dương tính, bà mẹ âm tính. Ngay lập tức Viện tiến hành cách ly nghiêm ngặt phòng bệnh, chuyển F0 sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; trường hợp bà mẹ được cách ly ở phòng riêng tại tầng 1 và coi như F0 để chăm sóc, theo dõi. “Đến hôm nay tất cả người trong phòng bệnh (khoảng 6 người) đều đã lấy mẫu 2 lần và kết quả xét nghiệm đều âm tính”, TS Bạch Quốc Khánh cho biết.

Viện tiến hành phong tỏa Khoa Điều trị hóa chất, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những người có liên quan, đến chiều 3/10 tất cả đều âm tính. Theo TS Bạch Quốc Khánh, trường hợp F0 đã tiêm 2 mũi vaccine, hầu như chỉ ở trong phòng chăm sóc mẹ, người tiếp xúc gần nhất là bà mẹ đã 2 lần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. 

TS Bạch Quốc Khánh cũng cho biết thêm, để bảo vệ an toàn cho bệnh viện, đối với bệnh nhân vào điều trị nội trú, bên cạnh có test kháng nguyên âm tính, khi vào viện vẫn làm lại xét nghiệm PCR. Đối với người đến khám ngoài có giấy xét nghiệm âm tính, nếu là người ở Hà Nội đến từ điểm công bố có dịch, phải làm test kháng nguyên xong mới khám. Bắt đầu từ ngày 1/10, đối với người đến từ Hà Nội không cho đi kèm người nhà, trừ trường hợp người bệnh không đi lại được hoặc già yếu (người nhà phải test nhanh kháng nguyên âm tính). Cũng từ 1/10, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương kiên quyết không cho bệnh nhân điều trị nội trú và người nhà chăm sóc ra ngoài.

Nâng mức cảnh giác cao nhất

Bệnh viện là “thành trì cuối cùng” phòng, chống dịch nên việc bảo vệ “thành trì” này đặc biệt quan trọng. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bệnh viện kiểm soát người ra vào khá chặt chẽ bằng việc phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính. Nhưng một số nơi còn để người bán hàng đưa cơm vào bệnh viện, người ra vào bệnh viện nhiều, đặc biệt là những bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận bệnh nhân ở các tỉnh đến, đi kèm người nhà. Công tác xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế, bệnh nhân điều trị nội trú và người nhà chưa thường xuyên.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), dịch COVID-19 tại Hà Nội nguy cơ vẫn còn rất cao, đặc biệt bệnh viện là một trong những nơi có nguy cơ rất cao. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn các bệnh viện về cách phân luồng, phòng, chống nhiễm khuẩn nhưng từ trước đến nay vẫn có nhiều bệnh viện bùng phát dịch như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn…, nên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xảy ra ổ dịch cũng không có gì là lạ, nằm trong dự đoán.

Ông Phu cho biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối nên thu dung bệnh nhân các tỉnh về rất đông. Bên cạnh đó, các khoa phòng bệnh thường xuyên luân chuyển. Nhân viên, bệnh nhân, người nhà di chuyển từ khoa này sang khoa khác, đi nhà ăn, thậm chí đi một số tỉnh nên nguy cơ tiếp xúc, giao lưu rất lớn. “Cũng may xét nghiệm trên diện rộng phát hiện các ca bệnh tập trung ở tầng 7, tầng 8 và nhà ăn. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm F0 để không lây lan ra khoa, phòng khác”, ông Phu nói.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chúng ta đã có kinh nghiệm dập dịch ở các bệnh viện nên cần thiết nhất lúc này là không để dịch lây lan ra bệnh nhân khác, nhất là bệnh nhân nặng, nếu họ mắc thêm COVID-19 thì nguy cơ tử vong rất cao. Cần truy vết nơi có liên quan để phát hiện ổ dịch mới, nhanh chóng dập dịch không những ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác. 

Ở đợt dịch thứ 4, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước, dịch lan vào bệnh viện và gây nên những đợt bùng dịch rất lớn, đặc biệt là ổ dịch ở Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau đó lây lan ra nhiều tỉnh, thành. Có ý kiến cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch ở bệnh viện còn lỗ hổng? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc ngăn chặn F0 vào bệnh viện là khó bởi ở nước ta, việc bệnh nhân đi khám, điều trị đều có người nhà đi kèm để chăm sóc. Lượng người ra vào bệnh viện lớn, việc tầm soát khó khăn hơn. Chưa kể có các dịch vụ bên ngoài đưa vào viện như người đưa cơm, hoặc người nhà ra ngoài mua cơm… Do đó, các bệnh viện phải nâng mức cảnh giác lên cao hơn nữa, tăng cường kiểm soát chặt người ra vào, tiếp tục giám sát đối tượng có nguy cơ cao, nhất là các bệnh viện tuyến cuối; xét nghiệm định kỳ nhân viên, người ra vào, bệnh nhân và người nhà; làm tốt việc phân luồng chống nhiễm khuẩn chéo.

Qua vụ việc ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Phu cũng đưa khuyến cáo, nguy cơ bùng phát dịch của Hà Nội còn rất cao nên TP tiếp tục xét nghiệm đối tượng nguy cơ như người bán hàng, vận chuyển hàng hóa, người giao tiếp nhiều; xét nghiệm diện rộng có chỉ định (vùng có nguy cơ); quan trọng xét nghiệm hàng ngày trường hợp ho, sốt trên địa bàn – đây là những ca chỉ điểm của F0 và của ổ dịch. Khi có dịch phải phong tỏa theo nguy cơ, phong tỏa chặt để không lây lan rộng. Cảnh giác thực hiện phương án an toàn trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, chợ, siêu thị… Người dân phải thay đổi lối sống, hành vi, luôn đề phòng F0. Ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết; có dịch dập tắt ngay không để bung ra diện rộng. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 2 cho người dân, đồng thời phải tính đến việc tiêm chủng khi người dân các tỉnh về Hà Nội, bởi có nhiều người ở địa phương khác chưa tiêm mũi 1.

Xử phạt hành chính Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Ngày 3/10, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đã ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Theo văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã vi phạm không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Mức phạt tiền đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 14 triệu đồng.

Liên quan đến chùm ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đến 18 giờ ngày 3/10, ngành y tế đã phát hiện tổng cộng 33 bệnh nhân, trong đó 26 người tại Hà Nội (bao gồm người nhà, người bệnh, nhân viên y tế, 1 người bán cơm tại cổng Bệnh viện) và 7 người tại các địa phương khác. Riêng tại Bệnh viện đã phát hiện 11 người nhà và 9 bệnh nhân tại Khoa Ung bướu (tầng 8 nhà D), Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D), cùng 5 nhân viên y tế (hộ lý, nhà ăn). (T.Linh)

Trần Hằng

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文