Cần sự chung tay bảo đảm an toàn cho học sinh
Hàng chục học sinh trường tiểu học bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu khi nhận bóng bay của người lạ ngoài cổng trường, một nhóm học sinh đến nhà bạn chơi rồi tổ chức chế tạo pháo khiến 1 em tử vong, 1 em bị thương tích nặng… Những sự việc liên tiếp xảy ra một lần nữa khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về thực trạng mất an toàn ngoài trường học…
Liên tiếp những vụ tai nạn
Chiều 22/3 vừa qua, trước giờ vào lớp, trước cổng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện một nhóm người “lạ” mặt cầm trên tay những chiếc bóng bay liên tiếp phát miễn phí cho học sinh. Sau khi nhận số bóng bay này, nhiều học sinh mang vào lớp thổi cùng một số bạn tiếp xúc với bóng bay bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, khó thở… Vụ việc đã khiến 31 em bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Đến nay, số học sinh này sức khỏe đã ổn định, được xuất viện, nhưng sự việc đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh và xã hội.
Vào chiều cùng ngày, một nhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Phan Đình Phùng ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar rủ nhau đến nhà một người bạn ở thôn 8 khi không có phụ huynh ở nhà để học cách chế tạo pháo nổ theo sự hướng dẫn trên mạng. Trong lúc chế tạo pháo thì không may số thuốc nổ phát nổ khiến 2 học sinh bị thương nặng. Qua ngày hôm sau, một trong 2 học sinh bị thương này đã tử vong, học sinh còn lại bị đa chấn thương nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị hỏa khí toàn thân, vết thương tổn nặng ở vùng 2 mắt cùng nhiều vết thương trên cổ, mặt, ngực, chân và tay…
Trước đó, vào ngày 25/12/2022, một nhóm học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana rủ nhau đến nhà của một người dân thường đi vắng ở thị trấn Buôn Trấp để chế tạo pháo nổ. Trong quá trình trộn thuốc để chế tạo pháo nổ thì một ít thuốc đã rơi vãi ra ngoài. Thấy vậy, một em trong nhóm đã dùng bật lửa đốt cháy những phần thuốc bị rơi vãi khiến ngọn lửa bùng cháy lan đến khu vực trộn thuốc gây ra tiếng nổ lớn. Hậu quả vụ nổ làm một học sinh tử vong tại chỗ, một học sinh tử vong tại bệnh viện và 2 học sinh khác bị thương nặng…
Trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh
Những vụ tai nạn mất an toàn ngoài trường học liên tiếp xảy trong thời gian qua đã đến hồi chuông cảnh báo. “Bà Đặng Thị Thơ (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng - nơi xảy ra vụ 31 học sinh bị ngộ độc) cho hay, sự việc 31 học sinh bị ngộ độc sau khi nhận bóng bay của 4 người “lạ” ở ngoài cổng trường ngay trước giờ chuẩn bị vào buổi học ca chiều là tình huống bất ngờ, lần đầu tiên nhà trường gặp phải. “Sự việc trên xảy ra ở ngoài phạm vi trường học, vào thời điểm học sinh đến trường học buổi chiều nên nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường. Khi bảo vệ phát hiện có dấu hiệu bất thường, đã yêu cầu nhóm người “lạ” rời đi.
Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Tiến Thương (Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng - nơi nhóm học sinh tự chế tạo pháo nổ) cho biết, trường nằm ở vị trí ngay trung tâm xã với hàng nghìn học sinh. Nhà trường luôn chủ động trong công tác rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm cho học sinh, thường xuyên cảnh báo phụ huynh về các nguy cơ tiềm ẩn trước cổng trường để cùng giáo dục, trang bị kỹ năng mềm cho học sinh. “Nhiều em học sinh hiếu động, thích tò mò dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm không ai mong muốn.
Bà Lê Thị Kim Oanh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, ngoài trường học luôn tiềm ẩn nguy cơ đối với học sinh với những tình huống bất ngờ, khó lường.
Sở sẽ chỉ đạo hệ thống trường học tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở các giờ ngoại khóa và lồng ghép trong giờ học chính khóa nhằm nâng cao kỹ năng nhận biết, xử lý tình huống trước những mối nguy hiểm bên ngoài nhà trường. “Đồng thời, Sở đề nghị sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, các lượng lực chức năng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm… phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các mối nguy hiểm có thể xảy ra ở phạm vi ngoài trường học, để bảo đảm an toàn cho học sinh và tạo sự yên tâm cho phụ huynh”.