Cảnh báo người nhiễm COVID-19 không khai báo
Mỗi ngày Hà Nội xấp xỉ có 3.000 ca mắc COVID-19, hiện TP đang điều trị cho hơn 3.242 F0 tại bệnh viện và khoảng 51 nghìn F0 tại nhà. Hiện nay, các bệnh viện tầng 3 của Thủ đô đang điều trị cho 36 bệnh nhân nguy kịch, 457 bệnh nhân nặng. Dự kiến số F0 nặng của Thủ đô sẽ tăng khi ca mắc tăng. Theo dự báo, từ nay tới Tết Nguyên đán, số ca mắc còn tiếp tục tăng, Hà Nội phân tầng điều trị ra sao?
Tỷ lệ tử vong thấp, có hiện tượng F0 không khai báo
Với số ca mắc COVID-19 tăng cao như hiện nay, nhiều người lo ngại hệ thống y tế của Thủ đô quá tải. Trao đổi với phóng viên Báo CAND vào sáng 13/1, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, phần lớn F0 của Hà Nội là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và được điều trị cách ly tại nhà. Số ca mắc mới tuy cao, song tỷ lệ tử vong và nhập viện thấp, nên Hà Nội vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến sáng 13/1, Thủ đô có 3.242 F0 nằm viện ở tầng 2 và 3, trong đó có 36 bệnh nhân nguy kịch (chiếm 0,06%/tổng số F0), 457 bệnh nhân nặng (0,84%) và 2.182 trung bình (4,03%). Riêng bệnh nhân nhẹ khoảng 51 F0 (95,04%) và chủ yếu là điều trị tại nhà hoặc các khu thu dung quận, huyện… “Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội thấp, dưới 0,3%. Bệnh nhân tử vong là người cao tuổi (từ 80 đến hơn 90 tuổi) và bệnh nền, phần lớn đều chưa tiêm vaccine. Tuần trước Sở Y tế tổ chức Hội nghị trong toàn ngành phân tích nguyên nhân tử vong, theo báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn, tuổi bệnh nhân COVID-19 tử vong tại bệnh viện trung bình là 84”, TS.BS Nguyễn Đình Hưng cho biết.
Hà Nội quản lý, theo dõi, điều trị F0 theo phân tầng (3 tầng) và trên hệ thống phần quản trị công nghệ thông tin, do vậy đảm bảo việc quản lý điều trị tránh quá tải và hiệu quả. “Thủ đô có gần 3.000 ca mắc/ngày nhưng chỉ có hơn 3.200 F0 nhập viện. 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội và sự hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn đảm đương đủ công tác điều trị bệnh nhân nặng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Đình Hưng, người dân khi có ho, sốt, khó thở phải làm xét nghiệm sớm để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh tình trạng phát hiện muộn, nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao.
Vừa qua ở Hà Nội có tình trạng người dân người dân tự xét nghiệm nhanh dương tính nhưng không thông báo với y tế địa phương, tự đóng cửa điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm bởi F0 tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi, không có chỉ định sẽ gây hại, thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn; hoặc khi bệnh chuyển nặng phát hiện muộn dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Nhiều F0 từ chối sử dụng thuốc kháng virus
Trong khi nhiều F0 săn lùng mua thuốc kháng virus về tự điều trị COVID-19 bất chấp khuyến cáo về tác dụng phụ, hoặc một số gia đình mua dự trữ để khi dương tính thì sử dụng ngay, thì tại Hà Nội, nhiều F0 lại từ chối sử dụng do lo ngại tác dụng phụ ảnh hưởng đến sinh sản.
Bà Hoàng Thị Út Trang, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội cho biết, không ít bệnh nhân mắc COVID-19 từ chối sử dụng thuốc kháng virus dù đã được bác sĩ chỉ định và cấp phát miễn phí vì lý do trên. Việc người dân chưa hiểu đúng, đủ về khuyến cáo về thuốc kháng virus nên từ chối sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị COVID-19. Người bệnh cần hiểu, khi đã được nhân viên y tế chỉ định dùng thuốc là đã loại bỏ các yếu tố nguy cơ.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Hưng, nhiều người bệnh dùng thuốc kháng virus đến ngày thứ 5-7 xét nghiệm đã âm tính. Hà Nội được cấp 40.000 liều thuốc kháng virus, đã dùng hết 30.000 liều, hiện vẫn còn thuốc dự trữ, đồng thời đã đề nghị Bộ Y tế cấp cho hơn 200.000 liều, do vậy người dân không lo thiếu thuốc. “Hà Nội đảm bảo số đủ số lượng thuốc kháng virus cung cấp cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình điều trị có kiểm soát bệnh nhân COVID”, TS Hưng nói.
Tuy nhiên ông Hưng cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus, mà khi mắc COVID-19 người bệnh phải báo với y tế cơ sở, khai báo trên phần mềm quản lý F0, lúc đó thầy thuốc sẽ tư vấn điều trị, uống thuốc kháng virus sẽ phải theo chỉ định của cán bộ y tế, thường dùng cho đối tượng mắc COVID-19 nhẹ nhưng có yếu tố nguy cơ như chưa tiêm phòng vaccine, người cao tuổi có bệnh nền… Việc dùng thuốc đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng chỉ định của thầy thuốc thì mới an toàn và hiệu quả.
Tết đang đến cận kề, việc đi lại, giao lưu sẽ lớn, là nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Vì vậy, khuyến cáo của các thầy thuốc là người dân phải tuân thủ tuyệt đối 5K, đây là chìa khóa để phòng, chống dịch. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, ở thời điểm này, khi độ phủ vaccine đã đủ lớn, không thiếu thuốc kháng virus, người dân khi phát hiện dương tính cần bình tĩnh, không quá lo lắng, không sợ COVID-19, mà cần có ý thức cách ly, thông báo cho y tế cơ sở hoặc tổ hỗ trợ COVID-19 tại địa phương để cập nhật thông tin lên Hệ thống theo dõi bệnh nhân COVID-19 của thành phố. Mỗi ngày 2 lần cập nhật thông tin lên hệ thống này để các y, bác sĩ theo dõi, phân tầng điều trị kịp thời, phù hợp.