Chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, cần thêm nhiều nỗ lực

13:39 29/11/2024

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Ngày 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS 1/12 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mít tinh được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau gần 35 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu. 

Bộ Y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình.

Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Toàn cảnh lễ mít tinh. (Ảnh: Trần Minh)

Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hằng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV.

Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Đông Âu và Trung Á kêu gọi, hơn bao giờ hết, bây giờ chính là lúc Việt Nam cần dồn tổng lực để đẩy mạnh đáp ứng với HIV nhằm thực hiện được mục tiêu của quốc gia. Đó là các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao cần được mở rộng hơn nữa. Khoảng trống còn lớn giữa số người được chẩn đoán nhiễm HIV và số người tham gia điều trị kháng HIV cần được lấp đầy. Các hành động để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và bảo đảm mọi người dân có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cần phải mạnh mẽ hơn nữa. 

Ông Marc. E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ: "Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có sự cam kết mạnh mẽ về chính trị, chương trình, kỹ thuật và tài chính ở các cấp cao nhất và tại các địa phương để thu hút sự tham gia đa ngành ở tất cả các cấp và huy động sự tham gia của cộng đồng. Trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho các quốc gia khác khi họ cũng tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo trong nước tốt hơn để duy trì ứng phó với HIV”.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, sáng kiến mới về phòng, chống HIV/AIDS trên toàn cầu; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai đa dạng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.

Triển khai đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, xác định các tồn tại, hạn chế của các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa hiệu quả, có nguy cơ không đạt được mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS, từ đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố kịp thời.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP căn cứ tình hình nhiễm HIV/AIDS thực tế, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS để đầu tư bảo đảm phân bổ đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và giao các chỉ tiêu cụ thể đến với từng cấp xã, cấp huyện với tinh thần quyết tâm cao nhất đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với các cơ quan và chính quyền các cấp.

Đồng thời người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tiếp tục tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, giúp Việt Nam cập nhật tiến bộ khoa học, ứng dụng thực hành tốt nhất để đạt mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.

Ngay sau buổi mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long có buổi gặp mặt, trao đổi với các đối tác, các tổ chức quốc tế đã chung vai, sát cánh với ngành y tế trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS suốt thời gian qua.

Trần Hằng

Những đóng góp của công chúa Huyền Trân với dân tộc và Phật giáo Việt Nam cùng nhiều giai thoại và cả những điểm mờ gây tranh cãi về bà đã tiếp tục được làm sáng rõ hơn tại Hội thảo khoa học “Công chúa Huyền Trân: Cuộc đời và giai thoại”.

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.

Với 415/460 (86,64%) đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.

Sau 12 năm kể từ ngày Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án đầu tư tuyến kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa bằng vốn ngân sách, ngày 12/11 vừa qua, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) đã phải đề nghị Sở GTVT phương án chấm dứt với nhà thầu thi công đoạn 2 và đoạn 4 của dự án là Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh…

Ngày 30/11, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hình ảnh những người chơi xe đạp dàn hàng ngang chạy xe trên phố đông người, ở ngay cả vào những giờ cao điểm nhất, có lẽ đã không còn quá xa lạ với nhiều người dân ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tương đồng với hình ảnh ấy là những tay chơi xe đạp ngang nhiên chạy vào cao tốc, bất chấp những xử phạt đối với người vi phạm trước đó.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文