Chớ chủ quan với ung thư có yếu tố di truyền
Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến đứng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Song nhiều người còn chủ quan không thăm khám, tầm soát sớm, dẫn tới khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đặc biệt, phần lớn ung thư đại trực tràng ở Việt Nam là từ polyp, song nhiều người đều nghĩ, polyp là một tổn thương lành tính nên không quan tâm, không chịu khám sớm.
Ung thư đại trực tràng từ polyp
Tới Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an), chúng tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đến khám tiêu hoá, trong đó nhiều người có chỉ định nội soi. Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân vào khám và nhập viện vì mắc các bệnh về tiêu hoá, trong đó có ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản khá nhiều.
Theo bác sĩ chuyên khoa (BSCK) I Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19/8 cho biết: “Mỗi tháng Khoa nội soi 1.200 ca bệnh về đường tiêu hoá, trong đó có 300 trường hợp phải điều trị. Khoa đã triển khai các kỹ thuật như can thiệp nội soi chẩn đoán ung thư; can thiệp nội soi cắt polyp, lấy sỏi, u. Đặc biệt khoa triển khai kỹ thuật cao cắt ung thư sớm, nội soi siêu âm, nội soi mật tuỵ ngược dòng”.
Theo BS Việt Anh, ung thư đại trực tràng ở Việt Nam 80% là từ polyp. Nhiều người có polyp nhưng nghĩ đơn giản, bệnh lành tính, nên không theo dõi định kỳ và không xử lý. Lâu dần, polyp này diễn biến thành ung thư.
Mới đây, Khoa tiếp nhận cụ ông 84 tuổi vào nhập viện trong tình trạng yếu, suy kiệt. Nội soi dạ dày và đại trực tràng, BS phát hiện cụ ông có polyp ở trực tràng lớn 30mm. Các BS đã ứng dụng kỹ thuật nội soi siêu âm, nội soi cắt niêm mạc dưới nước (UEMR) điều trị polyp ống tiêu hoá cho cụ ông. Kết quả sinh thiết polyp ung thư hoá, may mắn là polyp ung thư tại chỗ, sau cắt polyp ổn định, không phải điều trị hoá chất.
Theo BS Việt Anh, ung thư đường tiêu hoá thường có yếu tố gia đình, đã có trường hợp 14 người trong cùng một gia đình có polyp. Trước đó, một người trong gia đình bị ung thư đại trực tràng từ polyp, sau đó cả nhà đi kiểm tra, phát hiện ra 14 người đều có polyp. Trường hợp khác, bệnh nhân rất trẻ, khoẻ mạnh, sau khi bố và bác ruột mất vì ung thư đại tràng cũng đến nội soi, phát hiện ung thư đại tràng sớm. Bệnh nhân được điều trị ổn định gần 10 năm nay.
Còn BS Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho biết, anh đã từng gặp nhiều ca bệnh ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình. Điển hình là thiếu niên 16 tuổi, có triệu chứng đi ngoài ra máu nên được người nhà cho đi khám. Không may cho bệnh nhân này, khi phát hiện bệnh đã di căn vào gan, khối u khá lớn, có nguy cơ tắc ruột. Khai thác tiền sử thì bố của bệnh nhân qua đời vì mắc ung thư đại trực tràng. Anh trai bệnh nhân cũng mắc ung thư đại trực tràng khi mới 28 tuổi.
BS Nam cho hay, việc cả gia đình có bố và các con mắc ung thư đại trực tràng không phải là hiếm gặp, đã có những gia đình có ông, bố và các con đều mắc ung thư đại trực tràng. Cùng với ung thư vú thì ung thư đại trực tràng có tỷ lệ di truyền cao nhất trong ung thư. Ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình thường gặp ở những người bệnh lý đa polyp. Còn ung thư đại trực tràng không có đa polyp thì thường gặp ở những người mắc hội chứng Lynch.
Bệnh lý đại trực tràng đa polyp là do đột biến gene APC, gene này có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng, khi bị đột biến có thể diễn biến thành ung thư. BS đã từng phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 18 tuổi khi trong lòng đại tràng có hàng triệu polyp. Bố của bệnh nhân này cũng mắc ung thư đại trực tràng và mất khi 40 tuổi. 2 năm sau ngày bố mất, vì lo ngại căn bệnh ung thư đại trực tràng có thể di truyền nên bệnh nhân đã đi khám. “Nữ bệnh nhân phải cắt toàn bộ đại tràng, nếu không cắt sớm, chỉ sau 5- 7 năm có thể tiến triển thành ung thư, khi đó điều trị sẽ rất khó khăn”, BS Nam cho biết.
Tầm soát cực kỳ quan trọng
Theo Tổ chức Ung thư thế giới, ước tính mỗi năm có trên 1,9 triệu người mắc và khoảng 935.000 người chết vì ung thư đại tràng. Thống kê của Tổ chức này tại Việt Nam năm 2020, có gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.
BS Phạm Thị Việt Anh cho hay, ung thư đường tiêu hoá (dạ dày, đại trực tràng) nếu phát hiện sớm có nhiều phương pháp điều trị tối ưu, triệt để như điều trị đích, phóng xạ; cắt nội soi.
Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%, thậm chí có người đã sống khoẻ mạnh 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Tiên lượng sống sau 5 năm ở người bị ung thư tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị hiệu quả hơn. Do vậy người dân phải tạo thói quen tầm soát ung thư, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, bởi ung thư giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Khi có triệu chứng như: đau bụng, đi ngoài ra máu, nuốt nghẹn… thì đã muộn. Trước đây, phần lớn ung thư dạ dày, đại trực tràng là từ 50 tuổi trở lên, nhưng gần đây đã trẻ hoá, nhiều người phát hiện ở tuổi 20-30.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, ở nước ngoài, người từ 50 tuổi trở lên thường 6 tháng tầm soát đại trực tràng một lần. Nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người ở lứa tuổi này rất coi thường việc tầm soát. Khi có triệu chứng mới đi khám thì ung thư đã ở giai đoạn muộn.
BS Hà Hải Nam khuyến cáo, những người có người thân mắc các bệnh có tính di truyền như ung thư vú, đại trực tràng, ung thư dạ dày… cần phải được tầm soát từ rất sớm. Tại nước ngoài, khoảng 15 tuổi, nhóm đối tượng này đã được khuyến cáo đi tầm soát ung thư. Còn Việt Nam hiện đang khuyến cáo 18 tuổi nên tầm soát.
Trường hợp bệnh nhân ung thư đại trực tràng có polyp sẽ chẩn đoán rất dễ dàng bằng nội soi. Tại Bệnh viện 19/8 triển khai kỹ thuật nội soi cắt niêm mạc dưới nước (UEMR) điều trị polyp ống tiêu hoá cho nhiều trường hợp bị polyp đại tràng, ung thu đại tràng. Ưu điểm của phương pháp này là cắt được trọn vẹn khối, tổn thương nhỏ hơn, an toàn hơn, ít biến chứng chảy máu. Kỹ thuật này có thể cắt polyp lớn, kích thước 6cm và có thể áp dụng ở những cơ sở y tế chưa được trang bị nhiều.