Chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng nấm rừng làm thức ăn
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) cho biết, vào các ngày 3, 6 và 7/6, có 6 trường hợp (thường trú tại xã Phước Ninh) cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện với tình trạng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, nghi ngộ độc nấm. Hai người đã xuất viện, 4 người đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Các bệnh nhân cho biết đã vào rừng hái nấm trứng gà, trứng ngỗng về ăn; trong quá trình hái có xen lẫn vài loại nấm có màu xám đen (chưa rõ loại nấm), đem về chế biến cho gia đình và bạn bè cùng ăn, sau đó có các triệu chứng như trên.
Trước đó, cả gia đình anh Cao Huy H (sinh năm 1979), chị Khưu Thị Hồng Tr. (sinh năm 1979, vợ anh H.) và cháu Cao Thị Như Q. (sinh năm 2006, con của vợ chồng anh H.), cùng cư trú tại ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên bị ngộ độc do ăn phải nấm rừng, đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Anh H đã tử vong sau đó do bị nhiễm độc quá nặng, chị Tr. đang nguy kịch.
Theo thông tin từ người nhà các nạn nhân, ngày 3/6, gia đình anh Cao Huy H. vào rừng hái nấm không rõ loại (tương tự như nấm trứng gà, trứng ngỗng), mang về chế biến thức ăn. Cả gia đình ba người cùng ăn. Sau khi ăn, anh H. và vợ có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, đã tự mua thuốc uống. Đến 2h ngày 5/6, cả hai vợ chồng anh H. có triệu chứng nặng, được người nhà đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Cháu Cao Thị Như Q. có triệu chứng nhẹ hơn, ở tại nhà theo dõi. Đến hơn 10h ngày 5/6, cháu được đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh với triệu chứng mệt, nôn ói, khó thở. Bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, khi nhập viện, các nạn nhân có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, chẩn đoán ngộ độc do nấm không rõ loại. Bệnh diễn tiến nặng, cả ba người được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực nhưng anh H. nhiễm độc quá nặng đã tử vong.
Ông Thành Từ Dũ, Bí thư Huyện ủy Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho biết, nấm trứng gà, trứng ngỗng là loại nấm rừng nhưng có nhiều loại, có loại có độc và loại không độc. Người dân địa phương thường hái nấm rừng này vào mùa mưa để làm thức ăn. Tuy nhiên, nếu sơ suất có thể nhầm lẫn giữa nấm độc và nấm không độc. Người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại nấm được hái từ rừng, nhằm tránh bị ngộ độc.
Bà Trần Thị Ngọc Nương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân khi nghi ngờ bị ngộ độc sau khi ăn nấm cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi kịp thời và cần mang theo mẫu nấm còn sót lại hoặc cho người đi hái loài nấm đã ăn, mang đến cơ sở y tế để nhân viên y tế sơ bộ xác định loài nấm, có phát đồ điều trị kịp thời.
Người dân cần thận trọng khi sử dụng nấm rừng để làm thức ăn, vì có nhiều loại nấm độc gây chết người mọc hoang dại trong rừng, ven suối, ven đường; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không thử ăn nấm kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc); đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc, phải dứt khoát loại bỏ nấm khi nghi ngờ.
Ngoài ra, không hái nấm non khi chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng của nấm độc, có nhiều điểm giống nhau giữa nấm độc và nấm lành ăn được nên không dễ phân biệt được và có thể có nấm độc trong đám nấm lành ăn được.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tây Ninh lưu ý, người dân khi hái nấm tươi ăn được nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành nấm độc; không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu. Đặc biệt, nhiều người dân lấy đặc điểm nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết là nấm ăn được là quan điểm sai, vì loại nấm động vật ăn được khi người ăn vẫn có thể gây ngộ độc với người.