Công khai, minh bạch để phòng ngừa mua bán tạng

08:55 25/06/2022

Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh vừa thông tin về một phần mềm quan trọng trong công tác tiếp nhận, quản lý và tuyển chọn, điều phối mô tạng hiến. Đây là một đề án được thực hiện để hình thành mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo giữa Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và BV Nhi đồng 2.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy chia sẻ: “Trong tất cả các ca bệnh nhân được ghép tạng, BS chúng tôi lâu nay luôn nhận được một dấu hỏi rất lớn, rằng, liệu ca được ghép có dính líu gì tới yếu tố “lợi nhuận” hay không? Dư luận luôn lo ngại xảy ra tình trạng buôn bán tạng, lo về tính không minh bạch trong chuyện hiến tạng. Do vậy, phần mềm này ra đời giống như việc mở ra một cánh cửa “công khai, minh bạch trong hiến tạng” để người hiến tạng và người nhận tạng đều an tâm. Trong đó, người cho hay người nhận tạng đều được công khai, rõ ràng trong hệ thống. Không có bất cứ một lý do gì như do có mối quan hệ quen biết, hay một tác động nào có thể chen ngang vào được. Công trình sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho người bệnh mà không có sự vụ lợi cá nhân nào trong đó!”.

Theo BS Nguyễn Tri Thức, qui trình hoạt động của phần mềm này được công khai tới cộng đồng. Trang web có 2 phần: 1 bên có nhu cầu hiến tạng, một bên có nhu cầu được nhận tạng. Hai bên cùng đăng ký vào trang này. Trên cơ sở đó, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy mời các cá nhân vào làm các xét nghiệm cần thiết. Khi làm xét nghiệm xong sẽ chọn lọc lại, ai là người có thể hiến và người có thể nhận thật sự tạng hiến. Hai danh sách này sẽ được mã hoá và thông tin này đều được bảo mật. Phần mềm sẽ tự chọn để có sự cho -nhận tạng phù hợp. Phần mềm này được đăng ký đề tài cấp Sở (Sở KHCN - TP Hồ Chí Minh). Sau một thời gian hoạt động sẽ xin phép Đơn vị điều phối ghép tạng Quốc gia, Bộ Y tế, để được cấp phép và mở rộng trên phạm vi khu vực phía Nam hoặc toàn quốc.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy kể một câu chuyện xúc động. Hơn 4 năm trước, bệnh viện tiếp nhận tạng hiến từ một người đàn ông ở Đồng Nai. Bệnh nhân bị tai nạn và không qua khỏi. Gia đình đã tình nguyện hiến tạng, cứu sống được nhiều bệnh nhân suy tạng khác.

Một ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thế nhưng, vợ của người hiến, cũng là người nén đau thương, đặt bút ký đồng ý hiến tạng cứu người lại đối mặt với khoảng thời gian khủng hoảng sau đó. Chị rơi vào trầm cảm kéo dài, vì nỗi đau mất chồng và chịu đựng sự nghi ngờ của người thân hiểu lầm, cho rằng chị đã bán tạng của chồng.

Do vậy, Th.S Hiển cùng các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã xuống gia đình chị tại Đồng Nai nhiều lần. Cùng với kỷ niệm chương của Bộ Y tế, BV khẳng định rằng, chị và chồng đã cứu người bằng nghĩa cử hiến tạng và lòng nhân đạo. "Chúng tôi đã cố gắng để giúp người vợ được minh oan". Th.S Hiển nhớ lại.

Th.S Hiển cũng cho hay, anh và đồng nghiệp thường xuyên nhận được những câu hỏi từ phía gia đình người hiến tạng chết não, rằng: “Làm sao chúng tôi biết gan/thận/tim của người thân được tới tận tay người cần tạng hiến?

Do đó, trách nhiệm của các bác sĩ trong hệ thống điều phối là phải minh bạch, công khai. Từ thực tế trên, BV Chợ Rẫy đã phối hợp cùng BV Thống Nhất, và Nhi đồng 2 thực hiện đề án mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo. Đây là công trình được ấp ủ ý tưởng hơn 10 năm trước, tham khảo nhiều quốc gia như Mỹ, New Zealand, Australia… và xây dựng hệ thống riêng phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, mục tiêu chính của phần mềm là minh bạch hoàn toàn việc tiếp nhận, tuyển chọn, điều phối ghép tạng... Nhờ đó, hoạt động ghép tạng chuyên nghiệp và khoa học hơn. Trong đó, dựa trên thang điểm về độ thuận hợp, tương thích (các xét nghiệm); thời gian chờ đợi ghép, độ tuổi, khoảng cách địa lý, tình trạng bệnh lý… phần mềm sẽ chọn ra người nhận tạng phù hợp nhất với người hiến. “Máy móc sẽ đảm bảo khách quan, chúng tôi không thể tác động để ưu tiên hay gian dối trong việc điều phối, lựa chọn”. TS Thu khẳng định.

Người bệnh ở các nơi có thể biết, tìm hiểu, tiếp cận để đăng ký vào danh sách chờ ghép trên website http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/. Song song, một trang web có tính chuyên môn hơn sẽ ghi nhận những người chờ ghép và người hiến đủ điều kiện, thông tin được mã hóa, đảm bảo tính bảo mật.

Đề án phần mềm được thực hiện bởi 130 nhân sự của BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 2, và BV Thống Nhất, tổng chi phí gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí riêng cho phần mềm khoảng 950 triệu đồng. Trong đó, các BS đã không nghĩ đến tiền công, chi phí khi thực hiện, ngay cả nếu làm không công cũng rất vui lòng. Bởi đây là tâm huyết và mong mỏi của những người đã đồng hành bên nhau với nhiệm vụ nhân đạo là xây dựng hệ thống điều phối mô, tạng hiến chuyên nghiệp, khoa học, và minh bạch.

BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, trước nay, ghép tạng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đều là từ người cho sống cùng huyết thống, vấn đề thứ tự ưu tiên chưa phát sinh. Tuy nhiên, trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, trẻ suy thận chờ ghép rất nhiều nên nguồn hiến từ người cho chết não là hướng mở trong tương lai gần. Khi đó, việc áp dụng phần mềm để đảm bảo tính minh bạch là cần thiết. Hiện, BV Nhi đồng 2 có số trẻ nhi cần ghép thận là khoảng 40 ca có đủ điều kiện. Nay đã có hơn 20 ca được ghép. Hy vọng sau khi phần mềm này đi vào hoạt động sẽ có nhiều em bị bệnh được ghép tạng, thêm cơ hội sống và hoà nhập cộng đồng.

PGS.TS Dư Thị Bích Hương, nguyên Phó khoa Thận, BV Chợ Rẫy cho biết thêm: “Trước đây, khi có 1 người được hiến tạng thì luôn phải lập ra một Hội đồng kiểm soát minh bạch việc người hiến và người được hiến tạng, đều nằm trong danh sách quản lý của Trung tâm Điều phối Quốc gia đảm bảo sự minh bạch hoá công tác hiến tạng. Chờ hiến tạng càng lâu thì càng gây tốn kém cho bệnh nhân, gây tốn nhân lực của BV. Để tạo sự công bằng, lâu nay BV vẫn làm nhưng làm thủ công. Mất nhân lực để trông coi, rà soát. Hệ thống phần mềm công khai minh bạch khi ra đời sẽ phát huy được tất cả tâm huyết của đơn vị Điều phối ghép tạng. Nhất là phòng ngừa được việc mua bán tạng. Đó là cách mà nhiều Quốc gia phát triển đã làm có hiệu quả”.

Huyền Nga

Năm nay 31 tuổi nhưng Lường Văn Lả - một trong 6 bị cáo lĩnh án tử hình trong vụ án cô gái giao gà đã “ngồi” trại được hơn 5 năm và đang trong thời gian chờ thi hành án. Dù biết cái giá phải trả cho tội ác của mình nhưng bây giờ anh ta đã thay đổi. Từ chỗ bất cần, quậy phá, xin được thi hành án sớm, Lả ân hận, sám hối, khát khao được sống.

Ngày 15/5, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Công an huyện Cẩm Khê vừa triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm hoạt động liên tỉnh với thủ đoạn hết sức tinh vi; tạm giữ 3 đối tượng, thu giữ 1 cá thể hổ còn sống và 1 cá thể gấu đông lạnh.

Chiều 15/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kit test Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hải Dương) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về số tiền chia hối lộ và xin giảm nhẹ hình phạt.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo đã vận động gia đình, người thân nộp thêm số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không kháng cáo bổ sung, cũng không thay đổi nội dung kháng cáo, giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng, trong đó có 2 bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO - phương pháp oxy hoá qua màng ngoài cơ thể. Điều đáng lưu ý là cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.

Khoảng 10h30 ngày 15/5, khi đang làm việc tại đơn vị, Đại úy Trần Văn Thức, Phó Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam nhận được thông tin có một nữ bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội thận - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cần gấp 500ml tiểu cầu nhóm máu hiếm AB.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文