Cụ bà 74 tuổi hiến giác mạc, đem ánh sáng đến cho hai người mù
Sau khi được ghép giác mạc, nữ bệnh nhân 65 tuổi ở Yên Bái đã tìm lại được ánh sáng, chấm dứt hơn 10 năm sống trong cảnh mù loà. Đây là trường hợp ghép giác mạc mới nhất vào ngày 27/9, người hiến là cụ bà 74 tuổi ở Hà Nội, đã đem đến ánh sáng cho 2 người mù.
Chiều 30/9, chia sẻ về ca ghép giác mạc vừa được thực hiện tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, PGS.TS.BS Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện cho biết, vào ngày 25/9, bà L.T.H.M (trú tại Hà Đông, Hà Nội) qua đời.
Con trai bà M là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Quân y 103 đã gọi điện đến Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để xin hiến giác mạc của mẹ mình. Ngay lập tức, ê-kíp của Ngân hàng Mô nhanh chóng di chuyển đến tận nơi để lấy giác mạc.
Giác mạc của bà M đã được Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ghép thành công cho bệnh nhân nữ 65 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái) vào ngày 27/9. Giác mạc còn lại đã được điều phối đến Bệnh viện Quân y 103 để ghép cho người bệnh khác.
Chia sẻ thêm về quá trình lấy - ghép giác mạc, PGS.TS.BS Hoàng Minh Châu cho biết, giác mạc của người hiến sau khi tiếp nhận sẽ được bảo quản trong một dung dịch chuyên dụng, nhằm đảm bảo tính sát khuẩn và giúp nuôi dưỡng giác mạc. Sau khi rà soát danh sách chờ ghép, một người phụ nữ 65 tuổi ở Yên Bái có các chỉ số phù hợp và được ghép giác mạc ngay sau đó.
Nữ bệnh nhân mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc. Đây là một căn bệnh có tính chất di truyền cao. Hơn 10 năm nay, bệnh nhân không thể nhìn thấy người và vật xung quanh mình. Bà luôn ao ước có đôi mắt sáng để nhìn thấy người thân và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
"Do nguồn giác mạc khan hiếm nên bệnh nhân vẫn phải chờ đợi trong mòn mỏi, việc sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác. Việc ghép giác mạc thành công sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho bệnh nhân", PGS Châu nói.
Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người bệnh ổn, kết quả khá khả quan khi có thể nhìn được, có thể tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần phải theo dõi thường xuyên trong một thời gian dài tới đây.
Chia sẻ sau ca ghép, nữ bệnh nhân cho biết mình rất hạnh phúc vì bà đã có thể nhìn thấy mọi người và vật xung quanh mình. "Tôi chỉ mong được về quê để gặp và nhìn lại từng khuôn mặt của người thân mình”, bà chia sẻ.
Theo PGS Châu, trong thời gian theo dõi, người được ghép giác mạc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định tái khám của bác sĩ, cũng như tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt…
PGS Châu cho biết thêm, Ngân hàng Mô (BV Mắt Hà Nội 2) được thành lập từ tháng 2/2024, hiện đã ghép giác mạc cho 42 trường hợp, nhưng đây là ca đầu tiên nhận giác mạc từ trong nước. Nguồn giác mạc còn lại được lấy (nhập khẩu) từ các ngân hàng mô (giác mạc) quốc tế.
Tại Việt Nam, việc lấy - ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay đã có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định... , nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được ghép.
Đến nay, hơn 20 tỉnh thành đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người, nhưng con số ghép được rất ít ỏi. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em.
Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất.
Hiến giác mạc sau khi mất đi là một nghĩa cử cao đẹp, đem lại sự sống, ánh sáng cho nhiều người khác.