Đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các địa phương ngoài khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, còn đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ.
Cơn bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào nhiều tỉnh phía Bắc với sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17, đã gây thiệt hại nặng nề.
Tại Quảng Ninh, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hạ Long bị siêu bão quật tung mái, vỡ cửa kính, cuốn bay cửa... Tuy nhiên, các y bác sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, di chuyển vật dụng, thuốc men đến nơi an toàn, đảm bảo trang thiết bị phục vụ công tác khám, cấp cứu cho người dân.
Trong ngày 7/9 khi tâm bão đổ bộ vào Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 20 trường hợp bị thường vào cấp cứu do bão, trong đó có 6 ca nặng phải điều trị hồi sức tích cực.
Theo Sở Y tế Hải Phòng và Thái Bình một số cơ sở y tế có thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, đổ cây, biển chỉ dẫn... một số trạm y tế bị đổ tường bao. Tuy nhiên, các bệnh viện và cơ sở y tế vẫn bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị. Các thiết bị được di chuyển đề phòng ngập lụt sao bão.
Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bị chấn thương do bão vào cấp cứu. Đa số bệnh nhân trong lúc mưa bão trèo lên mái tôn và bị ngã gây chấn thương sọ não; hoặc bị kính, cây xanh rơi vào người...
Theo Bộ Y tế, sau bão, hoàn lưu bão sẽ xảy ra mưa lớn, lũ ống, lũ quét, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh, như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Đặc biệt tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, an toàn thực phẩm cho người dân trong vùng bão, lũ.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ".
Báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Để phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.