Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, báo động bệnh nhân nhập viện nặng
Sốt xuất huyết đã làm 18 người tử vong trên cả nước từ đầu năm tới nay (tăng 6 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Cùng với COVID-19, nhiều địa phương phía Nam và miền Bắc dịch sốt xuất huyết đang vào “mùa”. Đáng chú ý, nhiều phụ nữ mang thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính… mắc sốt xuất huyết Dengue nặng phải nhập viện.
Bệnh nặng do ngại đi viện
Có mặt ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết nặng. Ông Lê Văn Đoàn (trú tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi vào nhập viện sốt cao, tiểu giảm sâu xuống đến 6.000 tế bào/micro lít máu (ở người bình thường 120.000-140.000 tế bào/micro lít máu). Ngay lập tức, ông được chỉ định truyền tiểu cầu phòng chảy máu.
BS Phạm Thị Ngân, Khoa Bệnh nghề nghiệp và Sốt xuất huyết người lớn cho biết, ông Đoàn là một một trong những bệnh nhân nặng được điều trị tại đây. May mắn sau truyền tiểu cầu, chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân tăng nhanh và hồi phục tốt. BS Ngân cho biết thêm, tiểu cầu có vai trò cầm máu cho bệnh nhân, giảm tiểu cầu rất nguy hiểm và có thể chảy máu bất cứ vị trí nào. Nguy hiểm nhất là dẫn đến chảy máu tiêu hóa và chảy máu não. Do không có thuốc điều trị đặc hiệu nên với bệnh nhân chủ yếu là điều trị triệu chứng. Việc tiểu cầu giảm thường khó phát hiện, giai đoạn muộn sẽ có xuất hiện các dấu hiệu chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da…
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho khoảng 40 cháu nhỏ sốt xuất huyết. Theo BS Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi, thời gian gần đây bệnh nhân tăng nhiều, trung bình mỗi ngày khoa có đến 20 cháu nhập viện. Năm nay có thể do tâm lý e ngại dịch bệnh, không đi khám khi có triệu chứng nên khi tiến triển đi khám thì đã nặng. Có ca vào trong tình trạng nặng, ăn kém, mệt và có nguy cơ sốc. Có ca nhập viện tiểu cầu xuống thấp chỉ còn hơn 3.000 - đây là tình trạng rất đáng cảnh báo.
Theo BS Sang, biến chứng nặng nhất là sốc, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do trẻ sốt xuất huyết có sốt cao, giai đoạn đầu giống sốt virus nên dễ nhầm lẫn. Chính vì vậy, 2 ngày đầu nếu trẻ sốt liên tục trên 39 độ, cha mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay.
Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng, biến chứng.
Dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, người dân lo ngại đi bệnh viện nên dễ xảy ra những bất cập do nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Hạn chế tối đa tử vong
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong (tăng 6 trường hợp). Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện Bệnh viện đang điều trị khoảng 60 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, có ngày cao điểm con số vượt quá 100. Tính riêng tháng 9, có 300 bệnh nhân được đưa vào khoa điều trị thì có khoảng 270 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Với đỉnh dịch vào tháng 10, số ca sẽ tiếp tục tăng. Điểm khác biệt là nếu mọi năm số ca sốt xuất huyết điều trị tại viện, bệnh nhân là sinh viên chiếm đa số thì năm nay giảm hẳn do giãn cách xã hội, sinh viên chưa trở lại trường học.
Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện, đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính,… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện…