Điều tra nguyên nhân 2 người tử vong, 15 người cấp cứu sau khi ăn tiệc hội thảo
Sau bữa tiệc tại Trung tâm hội nghị ở quận Long Biên (Hà Nội), 2 người tử vong, 15 người phải nhập viện, trong đó có 1 trường hợp nguy kịch. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc xảy ra tại Trung tâm Hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, có 80 người tham dự, 2 trường hợp tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, 14 người đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đức Giang; 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Các bệnh nhân nhập viện có biểu hiện buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng quận Long Biên đã vào cuộc điều tra. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận Long Biên, 2 bệnh nhân tử vong gồm 1 người tử vong trên đường đến Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu; 1 người tử vong tại nhà.
Một bệnh nhân nguy kịch là ông N.V.T, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang trong tình trạng hôn mê, thở máy. Bệnh nhân này vào viện trong tình trạng kích thích vật vã, vẫn tím toàn thân. Kết quả chẩn đoán lâm sàng có toan chuyển hóa nặng, ngộ độc chưa rõ nguyên nhân.
Xét nghiệm ban đầu cho thấy nồng độ Methanon trong máu là 2,7mg/dL, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã gửi 2 mẫu bệnh phẩm (1 máu và 1 mẫu nước tiểu) đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai kiểm nghiệm chất độc, hiện chưa có kết quả.
13 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cùng triệu chứng buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, không đau bụng, không đi ngoài phân lỏng, một số bệnh nhân nôn 1-2 lần, 1 bệnh nhân sốt nhẹ. Các bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc do độc tố, đang được điều trị theo phác đồ.
1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An hiện sức khỏe ổn định.
Theo Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, điều tra ban đầu, những người này đều tham dự tiệc hội thảo do Công ty TNHH MTV NBC Pacific tổ chức ngày 19/12 tại Trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Thực đơn bữa chính gồm các món: Salat rong biển trứng cua, súp hải sản với nấm, gà quay mật ong, cá diêu hồng hấp hành nấm, canh cá nấu chua, bắp bò hầm ngũ vị ăn kèm bánh mỳ, cải chíp xào sốt nấm, cơm rang thập cẩm, chè hạt sen long nhãn dừa tươi và đồ uống, rượu.
Thực đơn bữa phụ gồm trà, cà phê, bánh nho cuộn, bánh ngọt Pháp, bánh Pizza Hawaii, hoa quả tươi.
Trong bữa tiệc, ngoài sử dụng thực đơn của công ty cung cấp còn có 20 lít rượu trắng do 1 lái xe công ty tổ chức bữa tiệc mang vào (sử dụng hết 8 lít, còn 12 lít mang về), 2 chai rượu 1 lít do một người khác mang vào.
Hiện Công an quận Long Biên phối hợp Công an tỉnh Hưng Yên tổ chức thu thập khoảng 50 lít rượu và lấy 5 mẫu rượu; cơ quan chức năng lấy 23 mẫu thực phẩm gồm 14 mẫu thức ăn trong thực đơn nhà hàng lưu ngày 19/12 và 4 mẫu sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia để xét nghiệm.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tử vong.
Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về ATTP của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.