Dự báo cuối năm mới có thể coi COVID-19 là bệnh thông thường
Theo Bộ Y tế, hiện nước ta đang có 4.104 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có 440 F0 phải thở máy và can thiệp ECMO. Theo chuyên gia dự báo, 6 tháng cuối năm khi trên thế giới việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, có thuốc điều trị và virus duy trì chủng nhẹ hơn thì dịch có thể diễn biến về bệnh thông thường.
Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 7/3, nước ta có 4.104 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tích cực, trong đó có 3.173 F0 phải thở ô xy qua mặt nạ, 488 bệnh nhân thở ô xy dòng cao HFNC, 108 ca thở máy không xâm lấn, 327 ca thở máy xâm lấn và 8 ca chạy ECMO.
Ngày 7/3 cũng "lập đỉnh" khi Việt Nam ghi nhận 147.335 ca nhiễm COVID-19 mới, riêng Hà Nội hơn 32.000 ca. Ngày hôm qua có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận từ 1.000 ca nhiễm trở lên.
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận gần 4,6 triệu người nhiễm COVID-19, có hơn 2,7 triệu người khỏi bệnh; hơn 40.000 người tử vong (chiếm 0,9% tổng số ca nhiễm).
Trung bình số ca mắc COVID-19 tử vong trong 7 ngày qua là 91 ca.
Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường. WHO vẫn coi COVID-19 là đại dịch và quan ngại về khả năng tiếp tục có thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV2. Tại nước ta, dịch mới chỉ đang có những dấu hiệu chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn dịch lưu hành, nên chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường.
Trước đề xuất của Bộ Y tế về việc chưa coi COVID-19 là bệnh thông thường trong thời điểm hiện nay, một số chuyên gia cho rằng nên coi COVID - 19 là bệnh đặc hữu, nhưng một số chuyên gia lại đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), chủng Omicron đang gia tăng và thay thế chủng Delta. Số mắc tăng cao nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng giảm hơn trước. Việt Nam đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, số người nhiễm tăng nhưng triệu chứng nhẹ. Với tốc độ lây lan mạnh của chủng Omicron, để ngăn cản lây nhiễm là rất khó khăn. Có 3 vấn đề đặt ra ở đây: Omicron lây lan rất mạnh; Omicron lây cho cả những trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19; Omicron có thể tái nhiễm với những bệnh nhân đã từng mắc các biến thể khác.
Vì vậy, chúng ta phải hạn chế tốc độ để cho việc lây nhiễm chậm lại. “Điều này rất quan trọng, vì phải có giai đoạn chờ để y tế không bị quá tải. Lây càng nhiều thì miễn dịch cộng đồng càng nhanh, nhưng phải hạn chế tốc độ lây để hệ thống y tế còn đáp ứng kịp. Chúng ta chấp nhận có lúc số mắc cao nhưng không để chuyển nặng, không để quá tải hệ thống y tế để giảm tử vong”, ông Phu nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ở thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường. Ông lý giải: Với các bệnh truyền nhiễm, để có thể đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội… Bởi trên thực tế hiện nay, nếu đưa COVID-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, hiệu quả phòng bệnh của vaccine phòng COVID-19 ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu…WHO vẫn chưa công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.
“Ở thời điểm hiện tại, COVID-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, theo tôi vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường”, PGS Phu khẳng định.
Theo ông ông Phu, dự báo trong lúc này còn khó khăn vì COVID-19 luôn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhưng cũng có thể 6 tháng cuối năm, khi trên thế giới việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, có thuốc điều trị và virus duy trì chủng nhẹ hơn thì dịch có thể diễn biến về bệnh thông thường. Tuy nhiên, vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng dịch, đặc biệt người dân phải chấp hành nghiêm 5K, đồng bộ mở cửa các hoạt động nhưng không được buông xuôi, thả lỏng mà phải đồng bộ dự phòng.