F0 tăng nóng, giá kit test “nhảy múa”
Hà Nội chạm mốc 7.000 ca F0 và dự báo còn tiếp tục tăng nữa. Trong những ngày qua, trên thị trường Thủ đô, người dân đổ xô đi mua kit test COVID-19, máy đo oxy Sp02, thuốc… dẫn đến thị trường này khan hiếm và giá đã bị “nhảy múa”.
Tình trạng F0, F1 test nhanh cả ngày không chỉ gây tốn kém mà còn khiến sức mua lớn, đẩy mặt hàng này khan hiếm. Dù hơn 1 tuần nay giá kit test tăng chóng mặt, xong đến nay vẫn chưa thấy bình ổn trở lại. Cơ quan quản lý đã vào cuộc hay chưa?
Bao giờ mới bình ổn?
Dạo quanh một số địa điểm bán thuốc của Hà Nội sáng 23/2, chúng tôi thấy nhiều cửa hàng kêu hết kit test COVID-19. Tại nhà thuốc Tây Hồ trên đường Thụy Khuê, hỏi mua kit test bằng nước bọt, nhân viên bán hàng cho biết “hết hàng”. Chỉ cách đây hơn 10 ngày, cửa hàng này khá “dồi dào” kit test cả nước bọt đến test nhanh kháng nguyên của Hàn Quốc. Giá test Hàn Quốc tại đây hơn 10 ngày trước là 65.000đ/que, nay tăng hơn do hàng khan hiếm.
Đến cửa hàng thuốc lớn nhất ở trên đường này là Long Châu, chúng tôi được biết, giá kit test kháng nguyên của Hàn Quốc ở đây bán 110.000đ/que, test kháng nguyên của Thổ Nhĩ Kỳ là 85.000đ. Chị Nguyễn Thu Trang ở quận Tây Hồ cho biết: “Sáng nay tôi gọi vài cuộc điện thoại đến nhà thuốc này để đặt mua mà máy toàn báo bận”.
Ở một số nhà thuốc khác tại quận Ba Đình, test nhanh COVID-19 ngoài khan hiếm còn tăng giá lên 20.000-30.000/que. Không chỉ thế, một số loại thuốc như thuốc ho, xuyên tâm liên, giảm sốt, vitamin C, vitamin tổng hợp… tiêu thụ rất mạnh, thậm chí ở nhà thuốc lớn mà chúng tôi đến còn hết thuốc giảm sốt paracetamol.
Theo một đơn vị sản xuất kit test nhanh trong nước, những ngày qua mức tiêu thụ của các nhà phân phối rất lớn nên trong kho luôn hết hàng. Bên cạnh đó, họ còn nhận được nhiều cuộc điện thoại xin phân phối hoặc đặt hàng. Công nhân tăng ca nhưng cũng không đủ sản phẩm để đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
Ngoài mua tại các nhà thuốc, trên mạng còn rao bán rất nhiều loại kit test với nhiều mức giá khác nhau. Nhưng so với thời điểm trước thì khoảng hơn 1 tuần nay đã tăng giá. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân chỉ biết mua chứ không phân phân biệt được đâu là kit test bảo đảm đúng tiêu chuẩn hay là hàng trôi nổi.
Về việc giá kit test COVID-19 tăng nhanh tại Thủ đô, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị này đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, phòng y tế ở các địa bàn xảy ra sự việc tiến hành kiểm tra. Nếu các sản phẩm bán cao hơn giá công bố hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Chiều 23/2, trao đổi với phóng viên Báo CAND, một lãnh đạo Sở Y tế cho biết, Sở đã có nhiều văn bản yêu cầu các nhà thuốc phải bán đúng giá đã niêm yết, không được lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng khan hiếm hàng mà đẩy giá, tăng giá; hoặc đầu cơ găm hàng để đẩy giá. Nếu cơ sở nào vi phạm thì sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, đây mới chỉ quản lý những cửa hàng, đại lý, nhà thuốc, còn việc bán và đẩy giá trên mạng còn là vấn đề bỏ ngỏ. Theo người dân, việc tăng giá và kit test COVID-19, máy đo SpO2 xảy ra đã nhiều ngày mà chưa được bình ổn, giá vẫn còn nhảy múa, vậy các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra hay chưa? Bao giờ thì giá của các mặt hàng này mới bình ổn khi mỗi ngày số tiền người dân tiêu tốn vào đây quả là khổng lồ.
Quản lý tình trạng giá kit test "nhảy múa" đang là vấn đề nóng và được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Vũ Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá vật tư y tế. “Chúng tôi đang báo cáo lãnh đạo Bộ đồng thời làm việc với các bộ, ngành để bảo đảm khả năng cung ứng vật tư y tế”, ông Lợi cho hay.
Ngày nào cũng test, lãng phí tiền bạc
Tính đến tháng 2/2022, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép. Với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 3 sản phẩm và 80 loại nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 22/3, Thủ đô có gần 7.000 ca F0, đây là số người dân phát hiện dương tính báo, trong đó còn nhiều F0 không thông báo và tự điều trị tại nhà. Hầu như gia đình nào cũng dự trữ kit test để thỉnh thoảng tự test, hoặc test khi có triệu chứng. Tuy nhiên, có người lo lắng quá, gần như ngày nào cũng test, hoặc test khi không có triệu chứng. “Từ hôm con đi học cả nhà tôi cứ 3 ngày lại test một lần, vừa mua hộp test hơn 1 triệu mà đã gần hết”, chị Phạm Thùy Linh, ở quận Hoàn Kiếm cho biết.
Còn nhà anh Phạm Văn Phúc, ở quận Cầu Giấy thì cả gia đình đều mắc COVID-19, do cả nhà đều nhẹ nên ngày thứ 4 đã test và ngày nào cả nhà cũng test để xem khi nào âm còn trở lại đi làm. Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, việc liên tục xét nghiệm COVID là điều không cần thiết. Bởi F1 mới tiếp xúc với F0 chưa cần xét nghiệm ngay, chỉ nên xét nghiệm ở ngày thứ 3, hoặc khi có triệu chứng. Còn F0 theo dõi tại nhà không nên test nhiều, chỉ cần test lại sau 7 ngày vì nồng độ virus chỉ thay đổi ở ngày thứ 7. Còn người nào tự test hàng ngày mong âm tính thì chỉ tốn test, tốn tiền.
Theo bác sĩ, người dân chỉ test nhanh khi có triệu chứng, còn người không có triệu chứng thì không cần test nhanh, bởi kết quả thường âm tính do đặc điểm của test nhanh là phát hiện khi có triệu chứng, nồng độ virus cao. Theo BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, việc các F0 liên tục xét nghiệm chỉ vì sốt ruột mong âm tính vừa lãng phí test kit vừa làm gia tăng rác thải nguy hại chứa virus.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, với F0 nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà theo dõi sức khỏe trong 7 ngày, đến ngày thứ 7 xét nghiệm, nếu còn dương tính thì tiếp tục cách ly đến ngày thứ 10 (với người tiêm 2 mũi vaccine), xét nghiệm lại và ngày thứ 14 (với người chưa tiêm vaccine).
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thận trọng khi chọn mua kit test, chỉ nên mua các loại kit test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. Vì sinh phẩm được cấp phép đã qua kiểm chứng mới bảo đảm tiêu chuẩn, độ đặc hiệu, độ nhạy. Nếu người dân mua và sử dụng kit test nhanh không được cấp phép, trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ cho kết quả không chính xác. Bởi vì, rất có thể người bệnh đã dương tính nhưng kết quả vẫn âm tính, gây ra tâm lý chủ quan, có thể làm lây lan dịch bệnh.