Giáp Tết, ngộ độc rượu gia tăng
Càng gần Tết, ngộ độc rượu lại gia tăng khi có nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó đáng báo động là nhiều người vào viện trong tình trạng hôn mê, nguy kịch, tiên lượng nặng. Do nhu cầu tiêu thụ rượu tăng vào dịp Tết, vì vậy, rượu rởm càng có cơ hội trà trộn tiêu thụ trên thị trường, nhất là rượu giá rẻ không rõ nguồn gốc được tiêu thụ mạnh tại các vùng ven.
Gần đến giáp Tết, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiêu hoá, xơ gan… Ngoài ngộ độc rượu có Ethanol thì ở đây còn tiếp nhận nhiều ca ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) trong tình trạng rất nặng, nguy kịch. Thậm chí, có bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, đã mắc xơ gan cổ chướng, tiểu đường, nhưng hàng ngày vẫn uống rượu. Trong một bữa liên hoan, anh này sau khi uống rượu đã rơi vào trạng thái lơ mơ, được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng.
Trường hợp khác là bệnh nhân 25 tuổi vào nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, li bì, hạ đường huyết. Nam thanh niên này uống rượu trong lúc đói, về nhà ngủ li bì bỏ bữa, gia đình tưởng bệnh nhân ngủ say không đánh thức, đến khi phát hiện bất thường đưa vào viện thì bệnh nhân gần như rơi vào hôn mê, tổn thương não. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp này bị hạ đường huyết rất nặng, khi vào cấp cứu, lượng đường gần như bằng 0, phải thở máy suốt 3 tuần.
BS Nguyên cho biết, rất nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đường máu gần như bằng 0 và tổn thương não, thậm chí mất não và tử vong. Khi uống rượu tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn khiến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều, uống tràn lan, tới khi nguy kịch mới vào viện thì đã để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não. Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như: Viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy...
Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng. BS Nguyên cảnh báo, nếu uống phải rượu rởm và cồn sát trùng rởm, lúc đầu say như uống rượu thông thường, nhưng 1-2 ngày sau mới mờ mắt, hỏng não thì đã quá muộn.
Mặc dù ngộ độc rượu có Mathanol liên tiếp xảy ra, gây nhiều ca tử vong hoặc nếu được cứu sống cũng để lại di chứng nặng nề, song nhiều người vẫn mua rượu không rõ nguồn gốc, rượu trôi nổi, rượu tự pha chế về uống. Theo Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, đơn vị đã phát hiện nhiều nơi bán rượu ngâm, rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc. Điển hình là đơn vị đã kiểm tra một loạt quán ăn, nhà hàng ở quận Long Biên, phát hiện nhiều bình rượu ngâm hàng chục lít cất trong hầm đều không có nguồn gốc, xuất xứ. Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng thuộc Công ty TNHH Hằng Nhiệm (khu nhà nổi Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) và hộ kinh doanh Rừng Vàng thủ đô (ngõ Ga – Hà Đông), Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện 645 lít rượu không có nguồn gốc xuất xứ; bán rượu có nồng độ cồn 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ nhưng không đăng ký với Phòng Kinh tế theo quy định.
Vào ngày 12/12 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại 20BT2, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, phát hiện tại đây có hàng trăm can rượu thủ công không hề có nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 510 lít rượu thủ công trên để chờ kết quả xét nghiệm.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, rượu là một trong những mặt hàng mà lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ nhưng đều không có giấy phép kinh doanh. Đối với rượu thủ công đã có quy định cụ thể như phải sản xuất ra sao, kê khai thế nào, nhưng qua thực tế kiểm tra, hầu như rượu đều không có nhãn mác, không nguồn gốc và không chấp hành quy định nêu trên. Nhiều hộ tự sản xuất rượu thủ công, khi bị kiểm tra thì “cãi” sản xuất ra để uống, chứ không bán. Do là kinh doanh nhỏ lẻ không thường xuyên, nên các hộ này không phải đăng ký kinh doanh, đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Chính quyền địa phương sẵn sàng xác nhận hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thường xuyên, nhưng lại “quên” kiểm soát. Vì vậy, đây chính là lỗ hổng để rượu không đạt chất lượng, thậm chí pha cồn công nghiệp, gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng.