Hà Nội phát hiện ca liên cầu khuẩn lợn đầu tiên qua tiết canh, lòng lợn
Một người bán lòng lợn, tiết canh ở Hà Đông (Hà Nội) vừa được phát hiện nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Theo CDC Hà Nội, đây là ca bệnh liên cầu khuẩn lợn đầu tiên được ghi nhận trong năm 2023.
Theo CDC Hà Nội, bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn là nam, 52 tuổi, bán lòng lợn tiết canh tại nhà ở phường Mộ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội).
Tìm hiểu bệnh sử được biết, cách đây hơn 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, tự điều trị tại nhà không đỡ. 4 ngày sau đó, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả cấy máu của bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).
Trong năm 2022, Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận rải rác các ca nhiễm liên cầu lợn, chủ yếu là thể viêm màng não. Nhiều bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao, lơ mơ, hôn mê.
Bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn, còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, hay do giết mổ lợn bệnh. Hiện chưa có bằng chứng bệnh này có thể lây từ người sang người.
Liên cầu lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh, hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, nhất là ở những người giết mổ, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm… Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Ở nhiệt độ 250C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.