Khi mệt mỏi lại nghĩ đến 8 chữ: “Hãy giành giật sự sống cho bệnh nhân"!
Kể từ khi Bệnh viện huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh chuyển đổi công năng trở thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (ngày 12/6/2021), những y bác sĩ nơi đây nỗ lực làm việc gấp 2-3 lần để giúp các bệnh nhân sớm khỏi bệnh. Bên cạnh đó, mô hình tổ tự quản ở mỗi phòng bệnh đã tạo sự gắn kết giữa các bệnh nhân, phát huy hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh nhân.
Suốt gần 2 tháng qua, hàng loạt y bác sĩ ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi cắm chốt tại chỗ để cơ động lo cho bệnh nhân. BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Tại đây chúng tôi đang điều trị khoảng 500 bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng. Bệnh viện có thể điều trị bệnh nhân nặng ở tầng 4 theo mô hình tháp điều trị 5 tầng của TP Hồ Chí Minh. Chỉ bệnh nhân nặng cần can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) mới phải chuyển đi bệnh viện tuyến cao hơn. Ngoài ra, còn có khoảng 1.500 bệnh nhân nhẹ. Tổng cộng cũng đã có hơn 1.000 ca bệnh được điều trị khỏi, xuất viện”.
Để dốc sức điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Xuân cũng như nhiều y bác sĩ khác tạm gác lại hạnh phúc riêng của mình, đó là những giây phút quây quần bên các con, bên người thân. Cách đây không lâu, vợ bác sĩ Xuân làm trong một cơ sở y tế khác cũng là F1, phải cách ly nên việc chăm lo gia đình đều nhờ cậy người quen. “Chỉ giáp mặt nhau qua điện thoại, nếu gọi video. Tôi động viên kỹ các con của mình ở nhà chăm ngoan, khi nào khống chế được dịch bệnh thì sẽ gặp nhau”, bác sĩ Xuân chia sẻ.
Không riêng gì bác sĩ Xuân mà các y bác sĩ khác cũng đang từng ngày giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19. Tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, rất nhiều thầy thuốc trẻ chưa vướng bận gia đình xung phong sát cánh cùng các đồng nghiệp trong hành trình đưa bệnh nhân bình phục trở về.
Bác sĩ Tô Lê Hưng là người trực tiếp điều trị các bệnh nhân trong phòng cấp cứu ở Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi cho biết, thực tế ở đây lúc nào cũng có 130-140 bệnh nhân thở oxy, mỗi bác sĩ phải lo cho rất nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó còn có nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ khác. Y bác sĩ phải làm việc gấn 2-3 lần. Tuy nhiên, 8 chữ “Hãy giành giật sự sống cho bệnh nhân” luôn được từng người khắc ghi. Khi mệt mỏi nghĩ đến điều này để vượt qua.
Có những bệnh nhân, ngày đầu mới vào phòng cấp cứu thở oxy với tinh thần lo lắng, hoang mang, nhưng có các sĩ cận kề động viên nên đã yên tâm điều trị. “Chúng tôi vẫn động viên nhau hãy nỗ lực nhiều hơn nữa. Tại đây còn có thêm một số tình nguyện viên giúp sức rất tích cực. Họ làm nhiều việc giúp bệnh nhân ấm lòng, vững tin hơn. Trong những lúc cam go nhất thì sự lạc quan vẫn lóe sáng. Minh chứng cụ thể là loạt bệnh nhân đã được điều trị khỏi, cho xuất viện”, bác sĩ Hưng cho biết.
Để nắm bắt kịp thời bất cứ diễn biến nào của các ca bệnh, ở những phòng người nhiễm COVID-19 còn lập các tổ tự quản. Tổ trưởng sẽ là người nhanh nhẹn nhất phòng đoàn kết các thành viên khác lại để cổ vũ lẫn nhau không nhụt trí trước bất cứ khó khăn nào.
Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi cho biết mô hình tổ tự quản này là cách làm linh hoạt, phát huy được hiệu quả. Người bệnh gắn kết nhau hơn. Khi có thông tin cần chuyển tải đến các y bác sĩ, tổ trưởng là người nắm rõ nhất. Ai cũng có những khó khăn riêng nhưng trước đại dịch COVID-19 này phải tập trung cao độ cho tinh thần chiến đấu với dịch bệnh.
Lòng nhân ái như được nhân lên gấp bội khi hàng trăm tin nhắn, những lời cảm ơn được gửi đến các y bác sĩ. Có bệnh nhân nhà ít người, khi vào bệnh viện trong người đã mắc nhiều bệnh nền, phải chú ý đặc biệt. Bất kể đêm ngày, khi bệnh nhân có biểu hiện chuyển biến nặng là các y bác sĩ tức tốc xử trí ngay.