Lan toả phong trào đăng ký hiến mô, tạng đến toàn thể tăng ni, phật tử
Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và đồng bào hãy chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả.
Sáng 25/6, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô, tạng “Cho đi là còn mãi” và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc.
Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu tại chương trình, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - khẳng định: Hiến mô, tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc.
Mỗi mô tạng, mỗi bộ phận cơ thể được hiến tặng sẽ là nguồn sống quý giá, mang lại cơ hội cho sống cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
“Tiếp nối thông điệp từ bi, trí tuệ được Đức Phật trao truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và đồng bào hãy chung tay góp sức hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả này", Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi và cho biết, hiến mô tạng là hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia, và lòng vị tha của mỗi chúng ta.
Hoà thượng khẳng định, trong thực hành đạo Phật, đây là pháp môn bố thí nội tài vô cùng quý báu, giúp gieo trồng những hạt giống từ bi trong tâm hồn mỗi người. Theo lời Phật dạy, người hiến tặng mô, tạng sẽ được hưởng phước báo vô biên, công đức vô lượng. Vì vậy, đăng ký hiến mô, tạng là cơ hội để mỗi người thực tập giáo lý vô ngã ngay khi còn sống.
Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết thống nhất phối hợp tuyên truyền tới chức sắc, tăng ni, cộng đồng phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội viên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, từ đó phát tâm tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết/chết não, hiến xác khi qua đời.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hoà Thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, nội dung ký kết sẽ là cơ sở để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 63 tỉnh, TP trong cả nước tổ chức vận động tăng ni, phật tử đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng với các cơ quan trong sự nghiệp cao cả này.
“Chúng tôi sẽ tích cực vận động, tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Phật giáo trên cả nước, từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, TP, quận, huyện; các chùa, các cơ sở tự viện trong cả nước để nâng cao nhận thức của Phật tử và nhân dân về ý nghĩa nhân văn to lớn của việc hiến mô, tạng”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.
Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Bộ Y tế đánh giá cao tinh thần của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết có ý nghĩa vô cùng to lớn và đầy nhân văn này; đồng thời tin tưởng với vai trò và uy tín của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ là nhịp cầu yêu thương để lan tỏa thông điệp nhân ái, khuyến khích phật tử và người dân tham gia hiến tặng mô, tạng.
"Tất cả chúng ta hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng. Hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng một phép màu. Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, chúng ta có thể trở thành những người cứu sống mạng người. Mỗi người chúng ta hãy là một đại sứ, một người truyền lửa để lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi” đến mọi người xung quanh”, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi và cho biết Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng.
Theo Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, sau lễ ký kết này, công tác vận động hiến, mô tạng sẽ lan toả tới rất nhiều tăng ni, phật tử, tới người dân ở mọi miền của đất nước.
Ngay sau lễ ký kết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi động việc đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp và online tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc. Chỉ ít phút sau, tại buổi lễ đã có 365 phật tử đăng ký hiến mô, tạng.