Nam thanh niên ghi kỷ lục hiến mô, tạng cứu nhiều người nhất từ trước tới nay
Trưa 23/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) công bố ca lấy, ghép mô, tạng thứ 100 từ người cho chết não. Bệnh viện đã thực hiện đồng thời lấy, ghép 4 tạng cho 4 bệnh nhân gồm tim, gan, 2 thận và nhiều mô khác, nguồn tạng từ nam thanh niên 32 tuổi ở Việt Yên (Bắc Giang) bị TNGT chết não hiến tặng.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép mô, tạng Bệnh viện Việt Đức cho biết, cách đây 3 tuần, bệnh nhân Đ.M.K (SN 1991, trú tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị TNGT được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức. Sau khi hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu glassgow 4 điểm.
Người nhà bệnh nhân cho biết, rạng sáng ngày 6/3, trên đường đi làm về bằng xe máy, anh K tự ngã. Khi được phát hiện đưa đi cấp cứu, anh đã trong tình trạng hôn mê. Anh K có vợ và 1 con trai 3 tuổi.
ThS Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép mô, tạng Bệnh viện Việt Đức thông tin, anh K là trường hợp hiến mô, tạng nhiều nhất từ trước đến nay. Anh đã hiến tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 2 dẻ sườn, 14 gân, 4 dây thần kinh.
Ngày 6/3, sau khi hoàn tất các thủ tục, Bệnh viện Việt Đức tiến hành song song 4 phòng mổ, gồm một phòng lấy tạng và 4 phòng ghép tạng cho 4 bệnh nhân.
Đó là bệnh nhân nữ SN 1970 (ở Bắc Giang) bị suy tim giai đoạn cuối, được ghép tim của anh K. Sau khi mổ, bệnh nhân được chuyển về Hồi sức tim mạch.
Thứ hai là bệnh nhân nam SN 1990 ( ở Ninh Bình) được chẩn đoán nang đường mật. Bệnh nhân này đã mổ tại Singapore 3 lần nhưng bệnh tình rất nặng. Gần đây, bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối. Bệnh nhân được ghép toàn bộ gan, ca mổ rất thành công.
Hai bệnh nhân nhận thận đều là nam, cùng ở Hải Phòng, một người 42 tuổi và người còn lại 48 tuổi, đều bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, cả 4 bệnh nhân sau ghép sức khoẻ đều tiến triển rất tốt, đang hồi phục để được xuất viện.
Anh K là người chết não hiến tạng thứ 100 tại Bệnh viện Việt Đức, anh cũng là trường hợp hiến tạng thứ 9 từ người cho chết não tại Bắc Giang. Bắc Giang hiện đang đứng đầu cả nước về số người hiến tạng sau khi chết não tại Việt Nam.
Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức được bắt đầu từ năm 2002 với ca ghép thận đầu tiên từ người hiến khỏe mạnh. Đến năm 2007 bệnh viện đã thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam trường hợp ghép gan cho người lớn. Từ năm 2010, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật lấy đa tạng từ người cho chết não để ghép cho các bệnh nhân nhận tim, nhận gan, nhận thận và nhận phổi. Bệnh viện Việt Đức là trung tâm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực ghép tim, ghép phổi, ghép gan…
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, việc vận động hiến tạng rất khó khăn, trường hợp hiến tạng đầu tiên vào năm 2010, đến nay Bệnh viện Việt Đức đã có 100 gia đình đồng ý hiến mô, tạng của người thân sau khi chết não qua đời để cứu sống người khác.
100 trường hợp này Bệnh viện Việt Đức đã ghép được 50 ca ghép tim, 80 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi và nhiều mô khác như: van tim, mạch máu, gân sụn, thần kinh, giác mạc... được lưu trữ tại Ngân hàng Mô của bệnh viện và sử dụng ghép cho các bệnh nhân khác. "Đây là số liệu không phải lớn nhưng là sự cố gắng của các đội ngũ chuyên môn và vận động hiến mô, tạng", GS Giang cho nói.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, nhu cầu ghép tạng ở nước ta hiện rất lớn, nhưng người cho rất ít. Ngoài Bệnh viện Việt Đức vận động được 100 người hiến tạng, trên cả nước chỉ có 50 trường hợp khác hiến tạng chết não. Từ ca hiến tạng đầu tiên, đến nay, tổng cộng cả nước mới có 150 người chết não hiến tạng, đây là con số rất ít so với số người chết não hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Đã có rất nhiều người chờ hiến tạng nhưng không chờ được và đã mất.
"Qua sự kiện người hiến tạng thứ 100, chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc của người đã nhận tạng, của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế y tế làm công tác vận động hiến ghép mô tạng, cảm ơn tới gia đình và người hiến tạng vì sự sống của người bệnh đã có những nghĩa cử cao đẹp. Qua đây, chúng tôi muốn lan toả thông điệp "Hiến tạng cứu người" để truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, giúp cứu sống nhiều người bệnh đang bên bờ sinh tử", GS Trần Bình Giang nói.