Nguy cơ người bệnh tử vong vì Bệnh viện thiếu nhiều thuốc giải độc
Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có những thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum (như vụ ngộ độc pate Minh Chay năm 2020), ngộ độc asen...
Chiều 14/9, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện bệnh viện thiếu nhiều thuốc chứ không chỉ có thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn cạp kia, hay thuốc giải độc clostridium botulinum. Không chỉ riêng Bạch Mai mà nhiều bệnh viện trên cả nước đều không có thuốc hiếm này. Bệnh viện Bạch Mai đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc.
“Bệnh viện đã có báo cáo gửi Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Cục trưởng Cục Quản lý Dược đề xuất có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm cho 3 miền, giao cho 3 bệnh viện lớn có đơn vị chống độc quản lý, khi có bệnh nhân ở khi vực nào thì điều phối đến khu vực đó”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo PGS Đào Xuân Cơ, những vụ ngộ độc clostridium botulinum hay bị rắn cạp nia cắn, ngộ độc asen, thuỷ ngân… một năm chỉ gặp 1 số ca. Thậm chí như ngộ độc clostridium botulinum nhiều năm không có ca nào, có khi đột xuất lại xảy ra như vụ ngộ độc pate Minh Chay năm 2020. Do vậy, các thuốc giải độc này nằm trong danh mục thuốc hiếm do các công ty nhập khẩu, kinh doanh, rất ít dự trữ. Hiện cả nước chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ các thuốc hiếm cố định. Vì vậy cần phải có kho dự trữ để khi xảy ra tình huống đột xuất sẽ kịp thời có thuốc giải độc, cứu được tính mạng người bệnh.
Năm 2020, khi xảy ra ngộ độc hàng loạt liên quan đến pate Minh Chay, do không có sẵn loại thuốc giải độc này, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế. Được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, WHO tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam, Bệnh viện mới mua được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium botulinum từ Thái Lan về Việt Nam với giá 8.000 USD/lọ.
Ngay từ thời điểm đó, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Nhà nước phải có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc "mồ côi", thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm quốc gia, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước.
Trước thông tin thiếu nhiều loại thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Cục Quản lý Dược đã cho phòng chuyên môn làm việc với bệnh viện.
Theo Thông tư 26/2021/TT-BYT, thuốc giải độc là thuốc hiếm. Do đó, sau khi bệnh viện lập đơn hàng khẩn cấp, Cục Quản lý Dược sẽ giải quyết trong vòng 24-72 giờ tùy theo sự sẵn có của mặt hàng. Cục Quản lý Dược đang hướng dẫn bệnh viện khẩn trương lập đơn hàng, tìm kiếm nguồn cung để bổ sung cho người bệnh.
Để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.