Nhiều người còn chủ quan với căn bệnh gây ung thư gan
Nhiều người mắc gan nhiễm mỡ không do rượu nhưng chủ quan cho rằng đây là bệnh bình thường, không thăm khám và thay đổi lối sống, chế độ ăn, luyện tập hợp lý dẫn tới bệnh chuyển biến xấu thành ung thư gan. Theo các chuyên gia, gan nhiễm mỡ không do rượu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư biểu mô tế bào gan mà không qua giai đoạn xơ gan. Đây là căn bệnh mới nổi, cực kỳ nguy hiểm và rất đáng lo ngại trong tương lai.
Sát thủ thầm lặng
Chia sẻ tại hội nghị khoa học "Ứng dụng các dấu ấn sinh học ung thư trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị" do Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức mới đây, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường, Trưởng Khoa Y - Trưởng bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ung thư biểu mô tế bào gan là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chiếm 906.000 (4,7%) ca mắc mới và 830.000 ca tử vong năm 2020.
Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2020, ung thư gan đứng thứ 2 sau ung thư vú nhưng tử vong lại đứng hàng thứ nhất. Hiện nay, mới nổi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hoá) là nguyên nhân hàng đầu trên thế giới dẫn tới xơ gan, ung thư gan, vượt qua cả nguyên nhân do viêm gan B và C. Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu trên thế giới chiếm 30% dân số; ở châu Á chiếm khoảng 25%, cứ 10 người thì 4 người siêu âm có gan nhiễm mỡ.
Theo BS Tường, gan nhiễm mỡ là trong gan có mỡ nhỏ, khi lượng mỡ vượt trên 5% gọi là gan nhiễm mỡ. Thông thường làm siêu âm bụng và CT, MRI không phát hiện gan bình thường có mỡ, nhưng khi thấy có mỡ trên siêu âm hoặc CT, MRI thì có nghĩa lượng mỡ trong gan đã vượt quá 5%, đó là điều bất thường. "Nhưng chính vì gan nhiễm mỡ phổ biến trên siêu âm, người ta dần dần coi bất thường là bình thường, dẫn tới chủ quan, nhưng nó không hề bình thường", BS Tường nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, gan nhiễm mỡ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó hàng đầu là do rượu bia, nhưng nguyên nhân vượt trội hơn hẳn, chiếm tới 70-80% là không do rượu (người bệnh siêu âm phát hiện gan nhiễm mỡ nhưng không biết nguyên nhân). Thông thường xuất hiện ở những người có nguy cơ như: Đái tháo đường, béo phì, thừa cân, có bệnh lý chuyển hoá, rối loạn lipid máu, đặc biệt có yếu tố gia đình. Ở châu Á thường có yếu tố di truyền, có người rất gầy nhưng siêu âm vẫn có gan nhiễm mỡ và người ta gọi là gan nhiễm mỡ thể gầy, rất thường gặp.
BS Tường cảnh báo, gan nhiễm mỡ không do rượu là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm để người dân cảnh giác.
"Không phải tất cả gan nhiễm mỡ đều đưa đến xơ và ung thư gan, nhưng nó qua nhiều giai đoạn, sẽ đưa đến tình trạng viêm, viêm mãn tính đến xơ hoá. Khi đến tình trạng xơ hoá nặng thì nguy cơ ung thư rất cao. Đặc điểm rất lạ của căn bệnh này là không qua giai đoạn xơ gan mà đẩy thẳng đến ung thư biểu mô tế bào gan. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại tại Việt Nam trong tương lai", BS Tường cảnh báo.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, không giống như xơ gan do rượu, do viêm gan B và C (thông thường xơ gan nặng mới ung thư), nhiều bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu chưa kịp chết vì ung thư gan, xơ gan mà chết vì những biến cố liên quan ngoài gan, mà đứng hàng đầu là tim mạch. Vì những yếu tố nguy cơ của gan nhiễm mỡ không do rượu cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đó là mỡ máu, đái tháo đường, chuyển hoá.
Chủ quan khiến cái chết âm thầm
Theo PGS.TS Trần Thị Khánh Tường, người dân khi biết mình mắc gan nhiễm mỡ cần phải tìm nguyên nhân, thăm khám để xem mức độ nặng, nhẹ, đã ảnh hưởng đến cơ quan khác hoặc đã viêm, xơ gan hay chưa… để có hướng điều trị. Gan nhiễm mỡ có nhiều giai đoạn, nếu chỉ đơn thuần thì phải cải thiện yếu tố nguy cơ, đó là thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện. Khi có viêm, có xơ hoá nặng, thậm chí qua giai đoạn xơ gan thì bác sĩ sẽ điều trị. "Những bệnh nhân có nguy cơ cao thì tầm soát định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần. Có bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan chúng tôi theo dõi phát hiện sớm, điều trị sớm, tái khám định kỳ, tỷ lệ sống trên 5 năm nhiều, thậm chí có người sống trên 10 năm", BS Tường cho biết.
Nhận định thêm về tình hình ung thư tại Việt Nam trong thời gian gần đây, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh đến khám ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai tăng hơn so với thời gian trước. Ung thư thường gặp nhất là: Gan, phổi, vú, tuyến giáp, dạ dày, trực tràng và gần đây là tuyến tiền liệt. Trong đó, ung thư gan là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Hiện người bệnh ung thư gan ở nước ta hầu hết đến khám ở giai đoạn trung gian và muộn, tỷ lệ đến khám ở giai đoạn sớm còn rất ít, chỉ khoảng 10-20% người bệnh tình cờ phát hiện khi đi khám sức khoẻ định kỳ. "Với bệnh nhân ung thư gan nếu được chẩn đoán sớm, phương pháp điều trị tại chỗ là phẫu thuật, đốt sóng cao tần, điều trị được khỏi và kéo dài thời gian sống. Còn ở giai đoạn muộn hơn người bệnh được áp dụng phương pháp nút mạch hoá chất, xạ trị trong chọn lọc. Nếu ở giai đoạn rất muộn thì chỉ áp dụng phương pháp toàn thân, chi phí điều trị lớn mà hiệu quả không cao", BS Phương cho biết.
Theo Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, ngày nay trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản có phương pháp sàng lọc ung thư gan cho người nguy cơ cao và rất cao như nam giới trên 40 tuổi, người mắc xơ gan do rượu, do viêm gan B và C bằng siêu âm ổ bụng xét nghiệm máu. Do đó, ở Nhật Bản trên 90% người bệnh phát hiện khối u gan có kích thước dưới 2cm. Ngược lại ở Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân ung thư gan khi đến khám, trên 90% có khối u gan trên 2cm. Vì vậy, trong thời gian tới, hy vọng những chương trình tầm soát cho người nguy cơ cao sẽ có ở Việt Nam.
Với người dân ít có nguy cơ, theo khuyến cáo của các bác sĩ, mỗi năm đi khám sức khoẻ định kỳ 1 lần để tầm soát phát hiện ung thư sớm, cơ hội điều trị khỏi rất lớn.