Nỗi lo lớn khi liên tiếp các ca tử vong vì bệnh dại

08:50 24/04/2023

Liên tiếp trong 2 ngày (13 và 14/4), cả nước xảy ra 2 vụ tử vong do bệnh dại, đều bị chính chó nuôi của gia đình cắn, nhưng chỉ rửa vết thương, không tiêm vaccine, mặc dù con chó đã chết sau đó.

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra gần 20 ca tử vong do bệnh dại, các địa phương có số người tử vong cao là Điện Biên, Nghệ An, Gia Lai... Nhiều người còn rất chủ quan, bị chó mèo cắn không tiêm vaccine, thậm chí con vật sau khi cắn người đã bị chết nhưng họ vẫn không tiêm.

Những cái chết thương tâm vì quan niệm sai lầm

Theo ghi nhận của phóng viên, không riêng Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước gia tăng số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại. Theo Sở Y tế Điện Biên, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 6 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Mới đây nhất là trường hợp tử vong ở xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, nạn nhân là chị G.T.N., bị chó nuôi trong nhà cắn vào bắp đùi trái. Dù được cán bộ xã tư vấn tiêm phòng dại, nhưng chị N. không tiêm. Hai tháng sau, ngày 14/4, chị thấy đau mỏi lưng, vận động khó khăn, được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa thăm khám. Do có biểu hiện lên cơn dại, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán mắc bệnh dại.

Cần tiêm vaccine ngay sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn để đảm bảo an toàn tính mạng. Ảnh: CTV.

Cùng thời điểm chị N. bị chó cắn, tại xã Pú Xi cũng có 10 trường hợp bị 2 con chó cắn, trong đó có 8 trẻ em. Sau đó vài ngày, 1 con chó bị chết không rõ nguyên nhân, con còn lại được xác định mắc bệnh dại. Chính quyền địa phương đã vận động 10 trường hợp này đi tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Tương tự, Gia Lai cũng ghi nhận 6 ca tử vong vì bệnh dại từ đầu năm đến nay. Theo CDC tỉnh Gia Lai, trường hợp tử vong mới nhất là bà Đ.T.C., 67 tuổi (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai) bị chó nhà mình nuôi cắn vào chân cách đây 6 tháng, nhưng chỉ tự rửa qua vết thương bằng nước. Sau khi cắn bà C., con chó ốm và chết, nhưng bà vẫn không đi tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Ngày 12/4, bà C. được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, mệt mỏi. Một ngày sau đó, bà được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, nhưng tình trạng quá nặng, gia đình xin đưa nạn nhân về và bà C. tử vong sau đó.

Một trong những địa phương ghi nhận số ngưởi tử vong về bệnh dại cao trên cả nước là Nghệ An. Năm 2022, tỉnh này có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã có 3 ca tử vong (2 trẻ em, 1 người lớn) và hàng nghìn người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại. Thương tâm nhất là trường hợp cháu bé 4 tuổi (xã Châu Thôn, huyện Quế Phong) tử vong trước sự bất lực của bác sĩ. Kết luận điều tra dịch tễ cho biết, bệnh nhân bị dại do tiếp xúc với chó (bồng, bế chó chơi).

Trường hợp tử vong vì bệnh dại khác là cháu V.Q.H., 9 tuổi (xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Điều tra  dịch tễ cho thấy, trước đó trong xóm xuất hiện 1 con chó có biểu hiện dại và cắn nhiều người. Người dân đã đập chết con chó này. Một số người khác bị chó cắn đã đi tiêm vaccine phòng dại. Riêng cháu H. không kể với gia đình về tình trạng chó, mèo cắn hoặc cào…

Nên hỗ trợ chi phí tiêm vaccine phòng dại cho người nghèo

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hằng năm, số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại rất nhiều. Từ đầu năm 2023 đến nay, số lượt người đến tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm tiêm chủng của Viện rất đông, có ngày đến cả chục ca. Theo một kết quả điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở một số tỉnh miền núi, nguyên nhân trẻ em tử vong do bệnh dại là khi bị chó, mèo cắn nhưng không thông báo với gia đình. Nhiều gia đình không chú ý, quan tâm tới con, khi con có vết thương do động vật cắn cũng không biết. Chỉ mấy tháng sau, khi con phát bệnh dại thì mới biết con đã từng bị chó cắn.

TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, việc gia đình nuôi động vật trong nhà, nhất là khi vật nuôi chưa được tiêm phòng, để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do thời gian ủ bệnh khá dài (từ 2-6 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm), nên nhiều cha mẹ không chú ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người.

Theo ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, hầu hết các trường hợp được phát hiện bệnh dại đều là đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản, xã, do chủ quan, hiểu biết không đầy đủ hậu quả của bệnh dại, nên ngay cả khi được cán bộ cơ sở khuyên đi tiêm phòng, họ vẫn không tiêm, mà chỉ khi phát bệnh mới đi viện điều trị thì đã không kịp.

Nhiều người cho rằng, bị chó mèo liếm thì không thể mắc bệnh dại và không cần tiêm vaccine phòng dại. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, khi đã lên cơn dại, 100% là tử vong. BS Trương Hữu Khánh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, nếu chẳng may bị động vật cào, cắn, hoặc liếm lên vết thương hở, cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để kịp thời sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất trong ngày đầu tiên. Đặc biệt, nếu vết thương nặng ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục… thì phải tiêm sớm nhất có thể.

Tiêm phòng dại chính là cuộc chạy đua của vaccine với virus dại, do đó chính quyền và y tế các địa phương cần có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ tới người dân, để mọi người cần phải tiêm phòng ngay sau khi bị chó, mèo cắn, không nên chờ đợi theo dõi tình trạng của con chó, cũng không phải lo ngại sự ảnh hưởng của vaccine đến sức khoẻ.

Hiện nay, vaccine phòng dại từ 300.000 -340.000/mũi, huyết thanh kháng dại cũng có giá tương đương, trung bình một người bị chó, mèo cắn phải tiêm từ 3-5 mũi vaccine, cộng với huyết thanh (tuỳ trường hợp), đối với nhiều người nghèo ở vùng sâu, vùng xa là gánh nặng kinh tế. Đây cũng là một trong lý do mà một bộ phận người dân còn ngần ngại không tiêm. Đặc biệt, tình trạng thiếu vaccine phòng dại cục bộ trong thời gian vừa qua, người dân ở vùng sâu, vùng xa càng ngại lên tỉnh, liên huyện để tiêm nên tặc lưỡi bỏ qua.

Năm 2022, cả nước có 40 ca tử vong vì bệnh dại, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế tăng cường các điểm tiêm vaccine phòng dại tại huyện, thị xã, đặc biệt thành lập thêm các điểm tiêm tại tuyến xã để người dân không phải đi lại xa xôi mà bỏ tiêm. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tham gia phòng, chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao. Thiết nghĩ, để không còn những ca tử vong vì bệnh dại, các địa phương cần xem xét đề nghị của Bộ Y tế, dự trù kinh phí hỗ trợ những đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số.

Trần Hằng

Năm nay 31 tuổi nhưng Lường Văn Lả - một trong 6 bị cáo lĩnh án tử hình trong vụ án cô gái giao gà đã “ngồi” trại được hơn 5 năm và đang trong thời gian chờ thi hành án. Dù biết cái giá phải trả cho tội ác của mình nhưng bây giờ anh ta đã thay đổi. Từ chỗ bất cần, quậy phá, xin được thi hành án sớm, Lả ân hận, sám hối, khát khao được sống.

Ngày 15/5, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Công an huyện Cẩm Khê vừa triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm hoạt động liên tỉnh với thủ đoạn hết sức tinh vi; tạm giữ 3 đối tượng, thu giữ 1 cá thể hổ còn sống và 1 cá thể gấu đông lạnh.

Chiều 15/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kit test Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hải Dương) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về số tiền chia hối lộ và xin giảm nhẹ hình phạt.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo đã vận động gia đình, người thân nộp thêm số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không kháng cáo bổ sung, cũng không thay đổi nội dung kháng cáo, giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng, trong đó có 2 bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO - phương pháp oxy hoá qua màng ngoài cơ thể. Điều đáng lưu ý là cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.

Khoảng 10h30 ngày 15/5, khi đang làm việc tại đơn vị, Đại úy Trần Văn Thức, Phó Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam nhận được thông tin có một nữ bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội thận - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cần gấp 500ml tiểu cầu nhóm máu hiếm AB.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文