Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao, người dân không được chủ quan

09:34 04/12/2021

Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên cả nước tiếp tục tăng cao, đặc biệt ngày 1/11, ghi nhận 14.508 ca mắc mới, dịch đã có quy mô trên toàn quốc. Tăng cao nhất trong những ngày qua là TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số tỉnh phía Nam.

Ở phía Bắc, Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh… vẫn ghi nhận số ca mắc trong ngày cao. Ngày 3/11, Hà Nội ghi nhận kỷ lục với 542 F0. Cả nước chỉ còn 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là Bắc Kạn.

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng cao, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định  về phòng, chống dịch. Ảnh: Phan Nhân.

Gia tăng ca mắc và tử vong

Theo Bộ Y tế, so với hơn 1 tháng trước, số tử vong do COVID-19 đã gia tăng. Nếu như số tử vong cách đây hơn 1 tháng xuống thấp nhất chỉ 50-60 ca, ngày thì ngày 2/12 Việt Nam đã ghi nhận 210 ca tử vong. Mặc dù Việt Nam đã tiêm được trên 123 triệu liều vaccine, nhiều tỉnh bao phủ vaccine mũi 1 lên đến 98%, số ca bệnh nặng và tử vong đã giảm sâu, song số tử vong tăng lên trong những ngày qua cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Ngoài TP Hồ Chí Minh thì Cần Thơ là địa phương ở phía Nam tăng số F0 rất mạnh, có ngày ghi nhận 1.300 ca nhiễm, cao hơn cả TP Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ vào ngày 1/12, thì số lượng ca mắc mới tại Cần Thơ trong thời gian gần đây là mối quan ngại lớn của Chính phủ và ngành y tế. Ông cho rằng việc tăng ca nhiễm đã được tiên liệu trước, tuy nhiên khi đã tiến hành bao phủ vaccine với tỷ lệ cao và có thuốc đặc trị, thì phải giảm tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, giảm số ca trở nặng và giảm số lượng tử vong.

Báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 8/7 đến nay, TP liên tục ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng. Tính đến ngày 2/12, TP đã ghi nhận 28.368 F0, trong đó có 222 ca tử vong, hơn 12.500 ca điều trị khỏi. TP tự đánh giá đang ở cấp độ dịch 3, tuy nhiên do không đạt tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine, nên áp dụng cấp độ dịch trên địa bàn thành phố là cấp 4. Cần Thơ đã triển khai cách ly F1 và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà. TP có gần 22.000 người cách ly tại nhà, trong đó có 9.994 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Sở Y tế đã áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó gần 300 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện tầng 3.

Khó khăn lớn nhất của Cần Thơ hiện nay là đang triển khai điều trị F0 tại nhà với các gói thuốc A,B,C, nhưng lực lượng y tế tại các trạm y tế phường rất mỏng. TP đã kích hoạt 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 trạm y tế lưu động với sự trợ giúp nhân sự của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp, nhưng số F0 sử dụng thuốc này chưa nhiều. Trong những ngày qua, số lượng ca mắc mới tăng nhiều, số ca cần cấp cứu có xu hướng tăng. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ TP trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.

Tương tự, Hà Nội là địa phương có số ca mắc trong ngày cao nhất ở phía Bắc hiện nay. Theo phản ánh của người dân, có một số F0 sau khi xét nghiệm phát hiện dương tính, nhưng phải chờ đợi rất lâu mới được y tế đưa đi bệnh viện. Nhiều người lo ngại liệu các bệnh viện của Thủ đô có phải đã quá tải nên mới có sự chậm chễ này? Theo đại diện CDC Hà Nội, TP đã có phương án đáp ứng điều trị cho 100.000 bệnh nhân, hiện số ca mắc của TP mới đang có hơn 11.000 F0 (gần bằng 1/10 khả năng) nên vẫn đủ cơ sở điều trị tập trung.

Phải có phương án an toàn

Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc tăng số ca mắc ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước là điều đã được dự báo trước. Nhưng nhiều người cũng lo ngại, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine của Việt Nam hiện khá cao, song số ca mắc và tử vong vẫn tăng, thì nguyên nhân do đâu?

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu sau tiêm, hiệu lực vaccine bảo vệ tốt nhất, sự cảnh giác người dân cao và các hoạt động phục hồi kinh tế, giao thương, đi lại vẫn còn hạn chế, nên số ca nhiễm giảm. Nhưng từ tháng 10 đến nay, người dân ở vùng dịch TP Hồ Chí Minh ồ ạt về quê, trong khi các địa phương không phải nơi nào cũng có sự chuẩn bị tốt về phòng dịch cũng như chủ động được trong việc tiêm vaccine.

Cùng với đó, khi các hoạt động kinh tế, đi lại dần được nới lỏng, cũng là lúc người dân mất cảnh giác, hiệu lực bảo vệ của vaccine cũng không còn tối ưu, vì hệ miễn dịch chỉ được bảo vệ tốt nhất là trong thời gian 2 tháng đầu sau tiêm. Trong khi đó, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, rất khó kiềm chế và đã lan ra nhiều địa phương trong cả nước, dẫn tới số ca nhiễm ngày một tăng trở lại.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, thời gian tới số ca mắc có thể tăng nhẹ thêm một chút nhưng không thể tăng nhiều. Lý do là các địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cần thời gian để vaccine phát huy tác dụng. Nếu thời gian tới đạt được độ bao phủ vaccine cao thì số ca nhiễm mới, trở nặng sẽ giảm.

Người dân không nên chủ quan, tuân thủ 5K để phòng bệnh.

Tại các tỉnh có số ca mắc gia tăng đáng quan ngại như Cần Thơ, giải pháp ngay lúc này là gì? Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Cần Thơ cần phải tăng cường giám sát dịch tễ tại các địa bàn, các khu vực tụ tập đông người, các đầu mối giao thông, các doanh nghiệp, nhà máy để phát hiện sớm để tách F0 khỏi cộng động. Tại các bệnh viện phải được đảm bảo an toàn, đặc biệt các khoa có bệnh nhân dễ bị tổn thương như khoa bệnh phổi, khoa lão, khoa sản... phải theo dõi tầm soát cao hơn. Các nhân viên y tế cũng cần được ưu tiên tầm soát để đảm bảo an toàn điều trị bệnh nhân.

Cần Thơ đang có hệ thống điều trị tầng 3 khá tốt, để giảm bệnh nhân nặng và tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị cần áp dụng mô hình bệnh viện chị - em để chuyển tuyến hợp lý. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ F0 tại nhà được tiếp cận dịch vụ y tế và thuốc Molnupiravir nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cần Thơ hiện mới được Bộ Y tế cấp tổng cộng 30 nghìn viên Avigan (Favipiravir) nên cần triển khai ngay đến các F0.

Còn tại Hà Nội, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), để giảm ca mắc là khó. Lúc này Hà Nội phải chỉ đạo tổng thể các biện pháp, cần phải thực hiện chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch để số mắc không quá cao, sẽ gây quá tải hệ thống y tế. TP vẫn xét nghiệm diện rộng, đối tượng và địa bàn nguy cơ; điều tra dịch tễ và xây dựng bệnh viện an toàn. Áp dụng cách ly tại nhà và phải giám sát nghiêm ngặt, F1 nào mà ra ngoài phải xử lý nghiêm. Áp dụng mô hình điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nhưng phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở để giám sát, tiếp cận, không để bệnh nhân chuyển nặng.

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt biến chủng mới Omicron, nên người dân không được chủ quan, phải tuân thủ 5K và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, không được buông lỏng.

Trần Hằng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文