Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh
Trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, phát sinh thêm hàng chục ổ dịch mới.
Theo chu kỳ 5 năm một lần, năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội, hiện đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2020. Hà Nội ghi nhận 12 người tử vong, trong khi năm 2021 không có người nào chết vì sốt xuất huyết. Theo dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô sẽ là trung tuần tháng 11 đến tháng 12, nguy cơ có nhiều ca nặng. Hiện nay, nhiều ổ dịch còn tồn đọng, nhiều nơi có nguy cơ bùng phát thành dịch như công trường xây dựng, khu nhà trọ… nhưng người dân vẫn còn chủ quan.
Nhiều ổ dịch trong khu trọ, công trường xây dựng
Xuân La là một trong hai phường trọng điểm về sốt xuất huyết của quận Tây Hồ (Hà Nội) với số ca mắc và số ổ dịch đứng thứ 2 toàn quận. Có mặt ở đây vào ngày cuối tuần, chúng tôi ghi nhận tại khu vực nhiều nhà trọ, khu dân cư gần bãi phế thải còn tồn đọng rác thải, dụng cụ chứa nước – đây là một trong những nơi để bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ở một số công trường đang thi công tại khu vực này, vật liệu xây dựng còn ngổn ngang, những tấm cốp pha, phế thải… xếp chồng lên nhau dưới nền đất ẩm thấp, nước đọng… tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Một nam công nhân ở đây cho biết: “Cũng có người bị sốt xuất huyết rồi, biết là đang có dịch nhưng do lao động cả ngày mệt mỏi, chúng tôi cũng chưa dọn dẹp môi trường được. Hôm trước ở đội xây dựng bên cạnh có người sốt cao 39 độ, đã nghỉ làm về nhà”. Theo nam công nhân này, từ khi có người mắc sốt xuất huyết, họ rất lo lắng, đi ngủ lúc nào cũng mắc màn, nhưng muỗi rất nhiều và khó phòng tránh. “Năm 2017 tôi làm xây dựng ở khu vực Hào Nam và đã bị sốt xuất huyết, mãi mới phục hồi được nên rất sợ bị bệnh lại”, anh này cho biết thêm.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, đến cuối tháng 10/2022, phường Xuân La ghi nhận 40 ca mắc sốt xuất huyết với 4 ổ dịch, cao hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. BS Lê Thu Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ cho biết, nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Xuân La do mật độ dân cư cao, các khu vực thuê trọ và công trường xây dựng, nhiều khu mộ gia đình nằm ngay trong khu dân cư, nơi có những bãi phế thải, phế liệu nhỏ tự phát tồn động; dụng cụ chứa nước có bọ gậy nhưng không được đổ và lật úp… tạo điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát sinh, phát triển gây dịch.
Theo Sở Y tế Hà Nội, sốt xuất huyết đang tăng mạnh ở nhiều huyện ngoại thành (chiếm 58%). Nhiều xã, phường đang trong quá trình đô thị hoá với dân cư đông đúc, công trình xây dựng, phế liệu, phế thải không được dọn dẹp, tạo điều kiện cho ổ dịch bùng phát. Một trong những điểm “nóng” sốt xuất huyết của Thủ đô là huyện Đan Phượng, nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều làng nghề, khu công nghiệp, dẫn đến bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Cả huyện có 16 xã, thị trấn thì tất cả đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Huyện Đan Phượng ghi nhận 1.039 ca mắc, 37 ổ dịch, hiện vẫn còn 11 ổ đang hoạt động.
Theo ông Nguyễn Gia Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, hiện nay, xã Tân Lập là 1 trong 4 xã trọng điểm về sốt xuất huyết cả về số ca mắc và ổ dịch, đứng đầu toàn huyện. Xã đã ghi nhận 325 ca mắc, với 7 ổ dịch sốt xuất huyết. “Dân cư ở đây đông nhất trong các xã, thị trấn của huyện, lại có nhiều khu vực thuê trọ, người từ các nơi đến ở; phong tục tập quán của người dân còn nhiều các bể chứa nước nổi, không có nắp đậy; các dụng cụ phế thải, phế liệu còn tồn đọng nhiều… Đây là nguyên nhân cho muỗi gây bệnh sinh sản, phát triển và gây dịch bệnh cho người dân trong xã”, ông Phúc nói.
Ổ dịch có nguy cơ lan rộng
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo, số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hoá chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Theo CDC Hà Nội, hiện nay huyện Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông ghi nhận số lượng ổ dịch mới nhiều nhất, mỗi quận thêm 8-10 ổ dịch. Ổ dịch có nhiều bệnh nhân nhất là thôn Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất) với 186 ca mắc tích luỹ từ đầu năm đến nay. Có những huyên ngoại thành ổ dịch cũ chưa dập xong lại phát sinh ổ dịch mới.
BS Hà Huy Tình, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, sở dĩ sốt xuất huyết bùng phát, ngoài chu kỳ đã trở thành quy luật, còn do phần lớn người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường khiến muỗi sinh sản, phát triển. Ngay như tại quận Hai Bà Trưng, mật độ dân số rất đông, do sinh viên và người lao động ngoại tỉnh đến đây thuê trọ nên điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường đều hạn chế; còn tồn tại nhà vệ sinh công cộng, bãi phế liệu, rác thải… Quận lại giáp ranh với các ổ dịch lớn như Thanh Trì, Đống Đa nên cũng là điều kiện để sốt xuất huyết lây lan nhanh.
Hiện nay, Hà Nội có rất nhiều điểm tập kết rác ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. “Bãi tập kết rác thải sinh hoạt đối diện với ngõ 324 Thuỵ Khuê, Tây Hồ tồn tại nhiều năm nay, luôn bốc mùi hôi thối, nước bẩn tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân xung quanh. Tổ dân phố kiến nghị nhiều lần di dời bãi rác này mà chưa được, đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân. Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh như hiện nay, chúng tôi rất lo lắng muỗi truyền bệnh sinh sôi từ bãi rác này cho dân cư. Song đến nay vẫn không thấy di dời, không thấy y tế địa phương phát động dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hoá chất phòng bệnh”, chị N.T.P, người dân sống tại cụm 1, phường Bưởi cho biết.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, trong đó ghi nhận nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch khiến nhiều bệnh viện rơi vào quá tải. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng, mỗi ngày ghi nhận hơn 100 ca sốt xuất huyết đến khám, trong đó 10% ca nặng phải nhập viện. Khoa Cấp cứu có 30 giường thì có tới 25 giường là bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cần theo dõi tích cực. Ngoài 12 ca tử vong trong thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận rất nhiều ca nặng bên bờ sinh tử như tiểu cầu tụt về 0 G/l, sốc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hoá, viêm phổi, suy đa tạng phải thở máy, lọc máu… chi phí điều trị rất tốn kém.
Đây là căn bệnh không thể chủ quan, coi thường, bởi sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine, cũng là bệnh dễ diễn biến nặng, nguy kịch. Vì vậy, biện pháp phòng dịch, ngoài triển khai một cách toàn diện với sự tham gia không chỉ của đội ngũ cán bộ y tế, mà còn cần sự vào cuộc của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương và quan trọng hơn cả là người dân. “Người dân phải giữ vệ sinh sạch sẽ nơi mình sinh sống, thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hoá chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Những gia đình trồng nhiều cây cối, hoa, thì phải phát quang, phun thuốc diệt muỗi…”, ông Nguyễn Gia Phúc khuyến cáo.