Sớm có giải pháp chấm dứt cảnh thiếu thuốc (bài cuối)
Người bệnh ở các nơi tìm về bệnh viện tuyến cuối Trung ương để tăng thêm hy vọng, nơi họ coi là cứu cánh trong hành trình chữa bệnh. Tuy nhiên, khi về Hà Nội, nhiều người lại gặp khó khăn ngoài dự đoán bởi thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành 4 Thông tư nhằm cụ thể hoá Luật Đấu thầu sửa đổi, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các bệnh viện thuận lợi cho công tác đấu thầu, mua sắm.
Mới đây nhất, Bộ Y tế có công văn hướng dẫn sở y tế và các bệnh viện trên toàn quốc về mua sắm thuốc, đấu thầu, vật tư, xét nghiệm và thiết bị y tế để đảm bảo đủ thuốc cung ứng. Nhiều gói thầu đã trúng thầu thành công và được mở thầu thành công. Tuy nhiên, thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra ở một số nơi, vì sao?
Ưu tiên mổ ung thư, mổ cấp cứu vì thiếu thuốc
Trước thực trạng thiếu vật tư, thiếu thuốc phải chờ mổ kéo dài tại Bệnh viện Việt Đức, trả lời bên lề Hội thảo Phổ biến nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu tổ chức vào ngày 2/8, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, điều này là thực tế và bệnh viện đang có nhiều nỗ lực để khắc phục.
Theo ông Hùng, với các thuốc tương đương sinh học, không có thuốc này thì có thuốc khác tương đương thay thế, nhưng với những thuốc đặc thù như Albumin và Gamma Globulin do không có đối tác tham gia thầu, bệnh viện không mua sắm được, nên tình trạng thiếu là có thật. Trường hợp này là bất khả kháng. Thuốc gây mê tại Bệnh viện Việt Đức cũng thiếu do không có loại thay thế, trong khi nhu cầu của bệnh viện rất lớn bởi là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, mỗi ngày bệnh viện thực hiện từ 270-300 ca mổ phiên và 30-40 ca mổ cấp cứu. Trước đây, nhà thuốc bệnh viện giải quyết được nỗi lo về thuốc điều trị cho bệnh nhân nội trú và cả ngoại trú. Nhưng hiện các quy định mới về mua sắm đấu thầu thắt chặt khiến hệ thống nhà thuốc trong tất cả hệ thống bệnh viện công đều đang gặp khó khăn.
Vì sao một bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt lại thiếu thuốc mê? TS Dương Đức Hùng cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, khi Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu sửa đổi được ban hành, ngay sau đó các bệnh viện mới bắt tay làm hồ sơ để thầu. Thời gian để làm hồ sơ kéo dài sẽ khiến quá trình mua bán bị chậm lại. “Thuốc mới thì chưa đấu thầu được, bệnh viện lại không có thuốc thay thế, không thể vay mượn nên tình trạng thuốc mê bị thiếu là không thể tránh được”, TS Hùng thừa nhận.
Giải pháp đưa ra đối với Việt Đức là làm ngày làm đêm hồ sơ thầu và điều tiết các ca mổ hợp lý. “Bệnh viện phải giảm ca mổ phiên, các ca phẫu thuật không cấp thiết, có thể chờ như phẫu thuật tháo nẹp vít, phẫu thuật thẩm mỹ… còn lại các ca mổ ung thư, mổ cấp cứu, hay ghép tạng cho người chết não vẫn được đảm bảo”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết và khẳng định nếu không điều tiết, không có thuốc mê, thì ngay cả các ca mổ cấp cứu cũng không thể thực hiện. Vậy nên, bệnh viện buộc phải giảm bớt số lượng chứ không gián đoạn mổ. Tất cả phòng mổ của bệnh viện đều hoạt động hết công suất, các y, bác sĩ cố gắng phẫu thuật tới 21-22h.
Bà Dương Thị Phúc (Hà Nội) cho biết: Việc mua bán, đấu thầu chậm dẫn đến thiếu thuốc ở nhiều bệnh viện khiến người bệnh chịu thiệt là thực tế đang diễn ra và cần sớm có giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia BHYT.
Sớm đấu thầu mua thêm máy xạ trị
Người bệnh ung thư đang vất vả bởi thiếu máy xạ trị, không chỉ xảy ra tại Bệnh viện K mà còn nhiều bệnh viện có khoa ung bướu. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh viện có 6 máy xạ trị, gồm 5 máy ở cơ sở 3 và 1 máy ở cơ sở 2. Máy số 1 và số 2 là máy được BHYT chi trả; 3 máy còn lại là máy xã hội hoá, chỉ được hưởng BHYT một phần, còn phải trả chi phí kỹ thuật cao tuỳ từng bệnh mà có mức phí phù hợp. Thời gian qua, máy xạ số 1 và số 2 bị hỏng, tuy nhiên bệnh viện đã sửa xong và đưa vào hoạt động, nhưng không thể chạy hết tối đa vì các máy này đã cũ, hết hạn.
“Hiện hai máy này chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng, xạ cho 60-70 bệnh nhân/máy/ngày. Nếu 1-2 tuần nữa máy trơn tru thì mới tăng bệnh nhân”, GS Quảng cho biết.
Trung bình 1 ngày, Bệnh viện K tiếp nhận 2.000 bệnh nhân tới khám, 1.000 bệnh nhân xạ trị, hàng nghìn bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú. Trong khi đó, 2 năm nay, bệnh nhân ung thư của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội dồn xuống Bệnh viện K do máy xạ trị của các bệnh viện này hỏng (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có 2 máy hỏng 1 máy; Bệnh viện Bạch Mai có 1 máy hỏng), nên lượng bệnh nhân tăng gần gấp đôi, máy móc cũng phải hoạt động tăng công suất hết mức.
Theo GS Quảng, công suất của 1 máy xạ trị xạ được 70 bệnh nhân/ngày, nhưng hiện đang phải gánh 150 bệnh nhân/ngày, máy hoạt động 20-22h/ngày cả thứ 7, nên hỏng là không tránh khỏi. Trong khi chi phí một lần sửa máy lên tới vài chục tỷ đồng, làm thầu mua linh kiện thay thế cũng tới cả tháng. Để mua mới máy, theo GS Quảng phải có kinh phí, bởi giá thành 1 máy xạ trị trên 100 tỷ đồng, nên phải đầu tư dần.
Trước sự quá tải và thực tế khó khăn của người bệnh, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trước đây bệnh viện đề xuất mua thêm 11 máy xạ trị, nhưng hiện tại đang đẩy nhanh đấu thầu, từ nay đến năm 2025 sẽ mua 4 máy xạ trị mới, gồm: 1 máy cho cơ sở 2, dự kiến cuối năm 2024 mua xong; năm 2025 mua 3 máy, trong đó 2 máy cho cơ sở 1 từ nguồn tiền của Chính phủ và Bộ Y tế. Theo GS Quảng, nếu có thêm 4 máy xạ trị, sự quá tải sẽ giảm và bác sĩ, nhân viên y tế không phải vất vả làm việc quá giờ.
Gỡ khó tới bao giờ?
Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, trước đây thiếu thuốc, bệnh viện vay mượn ở bệnh viện khác hoặc vay đơn vị cung cấp, khi làm thầu xong thì trả. Nhưng bây giờ không làm được việc đó, đơn vị cung cấp cũng không cho vay, mua trước họ cũng không bán. Nếu bệnh viện có mua thì BHYT cũng không thanh toán. Đây là tình huống mà các bệnh viện hay gặp.
Về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng nêu quan điểm, đây là thực tế xảy ra thường xuyên trong các bệnh viện lớn với các ca bệnh cấp cứu để giành giật tính mạng cho bệnh nhân. Với một số thuốc mà người bệnh cần nhưng bệnh viện không có thì có được đi mượn bệnh viện khác để cứu bệnh nhân hay không? Khi mượn thuốc có vi phạm quy định và khi trả có phải thực hiện nguyên tắc trả đúng tên thuốc, ngang bằng giá thành và tương đương hạn dùng hay không?
Theo ông Lê Xuân Hoành, Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), theo quy định, việc mua bán thuốc chỉ được diễn ra giữa các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh, còn bệnh viện là đơn vị sự nghiệp nên không có quyền sang nhượng. Việc sang nhượng thuốc chỉ được thực hiện với thuốc phóng xạ. Nhưng thực tế cấp cứu người bệnh như TS Dương Đức Hùng nêu, theo ông Hoành, cơ quan quản lý sẽ có nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi và ưu tiên cao nhất cho sức khoẻ và tính mạng của người dân.
Như vậy, đã 8 tháng Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra tại nhiều bệnh viện công lập. Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 5/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, nếu thể chế đầy đủ mà trong khâu tổ chức ở các đơn vị, địa phương còn vấn đề nọ, vấn đề kia thì không thể đủ thuốc cho khám, chữa bệnh. Ông Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang hoàn thiện Luật Dược và Luật BHYT sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10. Nếu Luật Dược được thông qua sẽ có 5 chính sách cải cách thủ tục hành chính rất mạnh để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp cơ sở nhập thuốc và cung ứng cho cơ sở y tế.
Ông Tuyên cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua. Một là cho sử dụng một giấy báo giá hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn của cơ sở thay vì 3 giấy báo giá như trước.
Ông nhấn mạnh mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được. Hai là được định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế, tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu. Ba là quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu. Bốn là được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.
Ông Tuyên cho biết, tuy thể chế về đấu thầu, mua sắm, thuốc cơ bản đầy đủ, nhưng vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở, phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện. Thiết nghĩ, đối với hàng chục triệu người bệnh tham gia BHYT, họ hy vọng, cần sớm chấm dứt cảnh thiếu thuốc, thiếu vật tư và trang thiết bị y tế, để không còn cảnh khốn khổ chạy vạy lo tiền thuốc khi bị ốm mà trong khi đây là quyền lợi chính đáng họ được hưởng.