Sốt xuất huyết, bệnh do thời tiết nồm ẩm gia tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, những tuần gần đây, Thủ đô tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 513 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Điều này có bất thường hay không khi bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8-10, đỉnh dịch có thể xảy ra vào tháng 10, 11.
Sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực quận Đống Đa, nhiều hộ gia đình vẫn còn chủ quan sau đỉnh dịch sốt xuất huyết đã hết vào cuối năm 2023, người dân không chú ý đến công tác dọn vệ sinh, diệt bọ gậy và thay nước ở lọ hoa, lọ trồng cây thuỷ sinh…
Theo CDC Hà Nội, Đống Đa là quận có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhất kể từ đầu năm đến nay (81 ca). Tại một khu trọ ở quận Đống Đa có nhiều bình nhựa chứa nước và một sinh viên ở đây cho biết, bình nước này lưu cữu lâu ngày không thay. Khi được nhắc nhở, sinh viên ở đây mới ý thức được phải thay nước trong bình để muỗi không vào đẻ trứng, phát triển thành bọ gậy.
Thống kê của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2023, ca mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP có 5 ổ dịch và hiện tại các ổ dịch này đã kết thúc. Sốt xuất huyết tăng cao ở những quận đông dân cư như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông… Vậy, điều này có bất thường hay không?
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, điều này không bất thường bởi số mắc tuyệt đối không cao, số ca không lớn mà nằm rải rác, không có các ổ dịch lớn, tập trung.
“Điều này đều nằm trong dự báo trước và theo mô hình dịch tễ sốt xuất huyết có quanh năm. Vào mùa xuân vẫn có ngày nhiệt độ cao, lúc nóng lúc lạnh, muỗi sốt xuất huyết phát triển ở nhiệt độ 25 độ C trở lên. Đặc biệt trong nhà đóng kín cửa làm cho nhiệt độ cao, muỗi sinh sôi phát triển trong nhà, đẻ trứng vào các bình chứa nước thành bọ gậy sinh sôi phát triển thành muỗi. Bên cạnh đó, người dân gia tăng giao lưu đi lại giữa miền Bắc và miền Nam cũng mang theo nguồn bệnh di chuyển, làm tăng ca mắc”, ông Phu nói.
Theo ông Phu, mặc dù số ca sốt xuất huyết thống kê ở Hà Nội tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 nhưng không đáng lo ngại vì không bùng dịch lớn do khí hậu, thời tiết mùa xuân nồm ẩm muỗi không phát triển mạnh mẽ được. Tuy nhiên, người dân cũng không được chủ quan, phải giữ gìn vệ sinh nơi ở và khu vực xung quanh như diệt bọ gậy, loăng quăng bằng cách thay nước thường xuyên ở lọ hoa, bình trồng cây thuỷ sinh, lật úp các dụng cụ chứa nước…
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2024, ngành Y tế phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy… Ngoài ra, 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh hằng tuần.
Không chủ quan với dịch bệnh mùa xuân
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, người già và trẻ em nhập viện gia tăng do các bệnh mùa nồm ẩm như viêm đường hô hấp, cúm, Adenovirus, viêm phổi, ho gà… BSCKI Phạm Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, do thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm khiến lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Cụ thể, 1-2 tuần trở lại đây, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng 20-30% so với ngày thường. Chủ yếu là các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Trong đó, trẻ nhỏ và người già tăng mạnh.
Bác sĩ cảnh bảo, có một số bệnh nhân có thể bình thường buổi sáng, nhưng tới chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, nặng, có thể suy hô hấp. Do vậy, khi thấy triệu chứng nặng phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay. Do số lượng bệnh nhân gia tăng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phải sàng lọc, phân loại bệnh nhân. Ca nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà để tránh tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo.
Lý giải về gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong thời điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, làm gia tăng các bệnh đường hô hấp, cúm, Adenovirus, ho gà, viêm phổi… Hà Nội đã ghi nhận 17 ca mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca. Điều này cũng được coi là bất thường nhưng đã dự báo trước do thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng trong thời gian vừa qua; do COVID-19 nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Đặc biệt, trong các ca mắc ho gà có một số cháu là trẻ sơ sinh do mẹ không có miễn dịch. Vì vậy, phụ nữ có ý định mang thai chưa có miễn dịch ho gà thì nên tiêm phòng vaccine để có miễn dịch truyền cho con.
Theo ông Phu, thời tiết nồm ẩm không chỉ chú ý tới các bệnh truyền nhiễm mà các bệnh tim mạch, huyết áp, xương khớp cũng có nguy cơ mắc và gia tăng. Đặc biệt, với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, thời tiết thay đổi đột ngột, ẩm thấp, nếu mắc viêm phổi, viêm đường hô hấp, càng làm gia tăng nguy cơ bội nhiễm khiến bệnh nặng hơn. Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo người dân và trẻ nhỏ, với những bệnh đã có vaccine thì nên tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khoẻ. Khi ra khỏi nhà nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.