Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp
Mưa nhiều trong những ngày qua khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, làm gia tăng người mắc căn bệnh này và phải nhập viện với biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Tại Hà Nội, sốt xuất huyết tăng liên tục từ tháng 7 đến nay và xuất hiện nhiều ổ dịch ở ngoại thành với số ca mắc tăng, biến chứng nặng.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thủ đô, dịch sốt xuất huyết có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Điều khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao vào nhập viện. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, điều khác biệt năm nay là khu vực ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… và các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… các ca sốt xuất huyết có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm.
Tại Hà Nội, sốt xuất huyết xuất hiện từ tháng 4- 5 và tăng nhanh trong các tháng 6 – 7. Sau 5 ngày sốt cao không đỡ, anh H.V.M (25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Do phát hiện muộn, nên quán trình điều trị, anh này xuất hiện tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Cũng vào nhập viện sau 5 ngày sốt cao, anh P.V.H (39 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) đã ở tình trạng nặng, cô đặc máu, mạch nhanh. Hay ông P.D.K (66 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) sốt cao 39 độ, đau đầu, đau mỏi người nhiều ngày, tới khi tiểu ra máu ông mới vào viện thì đã ở trong tình trạng rất nặng. Theo PGS Cường, các bệnh nhân này được điều trị tích cực, tình trạng dần cải thiện và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có người nguy kịch, tiên lượng xấu như nữ bệnh nhân T.T.S (62 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội) vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau người, ăn kém. Bà S có tiền sử cao huyết áp, viêm khớp, dùng thuốc giảm đau dài ngày, khi vào viện 1 ngày thì diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, nhưng tình trạng nặng do suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao.
PGS Cường cho biết, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết gia tăng vào mùa mưa. Nguy hiểm của sốt xuất huyết là nhiều người thấy sốt nhưng không xét nghiệm, tự mua thuốc giảm sốt về uống, khi nặng mới tới bệnh viện. Sốt xuất huyết là căn bệnh gây tử vong nếu ở ngày thứ 3-7 của bệnh bị thoát huyết tương dẫn đến sốc, hoặc xuất huyết nặng kèm tình trạng sốc, suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Diệt muỗi, bọ gậy, đi ngủ mắc màn
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, sốt xuất huyết liên tục tăng từ tháng 7 đến nay, mỗi tuần có gần 200 người mắc, các huyện ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ. Vào năm 2023, đỉnh dịch sốt xuất huyết được ghi nhận tại Hà Nội với các ổ dịch kéo dài, trong đó có huyện Đan Phượng và tại đây cũng có nhiều ca mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng. Tuy nhiên, năm 2024, dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng tại Hà Nội với số ca mắc từ đầu năm đến nay là 1.579 trường hợp, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Hầu như tuần nào Hà Nội cũng ghi nhận thêm các ổ dịch mới; có tuần toàn thành phố có hơn 20 ổ dịch đang hoạt động. Ở nhiều lán, công trường thi công tồn tại nhiều vật dụng chứa nước là ổ của bọ gậy nhưng chưa được xử lý. CDC Hà Nội đã cử đội chống dịch cơ động giám sát điều tra, xử lý ổ dịch tại các địa điểm: Phúc Thọ, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Xuân, Thanh Trì.
BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết, muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào lúc chập choạng tối và chúng rất thích đậu ở quần bò bẩn chưa giặt treo ở nơi kín, ẩm như nhà vệ sinh. Tại nhiều gia đình, ý thức phòng muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chưa cao, không chú ý thay nước bình hoa liên tục, lật úp các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Xã, phường phát động người dân tổng vệ sinh môi trường nhưng cũng có hạn, vì vậy mỗi gia đình nên phòng bệnh tại chính nơi mình sinh sống một cách thường xuyên để ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển.
Theo CDC Hà Nội, biện pháp trước mắt TP đang làm các Trung tâm y tế quận, huyện tiếp tục tổ chức cao điểm ra quận tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, khoanh vùng dập dịch và truyền thông tới cho người dân. PGS Cường nhấn mạnh, hiện nay ở Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Nếu người dân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, cần phải đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm, không tự ý điều trị và truyền dịch tại nhà. Khi bị sốt có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau, tuyệt đối không uống Aspirin hoặc lbuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.