Sốt xuất huyết tiếp tục "nóng"

15:12 03/12/2024

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. Sốt xuất huyết đang gia tăng ở nhiều tỉnh phía Nam, nhiều ca bệnh là trẻ em và thanh thiếu niên.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức vào chiều 3/12, TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc sốt xuất huyết, khoảng 40 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, những năm gần đây, sốt xuất huyết đang gia tăng trở lại. Năm 2023, Hà Nội có hơn 40.000 ca mắc, cao gấp đôi TP Hồ Chí Minh, điều này chưa từng xảy ra. Năm nay, đến thời điểm này, Hà Nội ghi nhận hơn 7.000 trường hợp mắc.

Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm. (Ảnh: Dương Tuấn)

GS.TS Vũ Sinh Nam, cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, trước đây, chu kỳ sốt xuất huyết từ 10-12 năm có một vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023 đã có 2 vụ dịch lớn là năm 2019 với hơn 300.000 ca mắc và năm 2022 là 370.000 ca, 150 trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Là bệnh viện tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết trẻ em, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đặc điểm ở các tỉnh phía Nam gần như tất cả các lứa tuổi đều mắc sốt xuất huyết. Thậm chí, trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng sốt xuất huyết do người mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết trong lúc mang thai, trong lúc đang sinh. Đến nay, trẻ dưới 15 tuổi mắc sốt xuất huyết ở phía Nam chiếm 60-70 %. Nhưng ngược lại, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc thì người lớn lại chiếm số lượng nhiều.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn…, hoặc là người lớn suy thận.

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, luôn phải đối phó với dịch sốt xuất huyết, làm gia tăng gánh nặng lên hệ thống y tế và quá tải hồi sức khi số ca nặng tăng cao. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, gần đây, thanh thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính lại có nguy cơ sốt xuất huyết. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 5.000 -15.000 ca sốt xuất huyết đến khám. Đặc biệt năm 2022, sốt xuất huyết nặng đe dọa tử vong, sốc trụy mạch, xuất huyết tiêu hóa… biến chứng là hơn 1.500 ca. "Có gia đình trong mùa dịch mất đi cả 2 con, đây là nỗi đau không thể tưởng tượng được", Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ.

TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Theo một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết gần đây, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, chưa kể chi phí cho người nhà đi theo chăm sóc.

"Những năm trước, Việt Nam có chương trình Mục tiêu quốc gia nên đã kiểm soát cơ bản các vụ dịch. Tuy nhiên, sau khi chương trình kết thúc vào năm 2020, theo Luật Ngân sách, các địa phương bố trí ngân sách phòng, chống sốt xuất huyết nhưng khi không có chương trình cụ thể, chưa có vũ khí là vaccine, vấn đề tuyên truyền, chỉ đạo đã giảm bớt. Chính vì thế trong những năm gần đây, sốt xuất huyết gần như quay trở lại. Vì vậy, vẫn có khoảng trống trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết", ông Đức nhấn mạnh.

Để lấp khoảng trống này, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vũ khí hiệu quả nhất là vaccine. Khi tiêm vaccine, con người có thể kháng lại virus sốt xuất huyết. Vào tháng 5/2024, Việt Nam đã cấp phép cho vaccine phòng, chống sốt xuất huyết và bắt đầu triển khai tiêm chủng dịch vụ trên cả nước từ cuối tháng 9.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức tham dự tọa đàm.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, vaccine sốt xuất huyết ra đời là niềm mơ ước của thầy thuốc làm trong lĩnh vực truyền nhiễm. Hiệu quả của vaccine sốt xuất huyết là 80% người đã tiêm không bị mắc sốt xuất huyết, hoặc có mắc thì trên 90% người mắc không tiến triển nặng phải nhập viện. 

Vaccine sốt xuất huyết ra đời và đưa vào tiêm cho người dân được kỳ vọng sẽ giảm ca mắc, giảm ca bệnh nặng và giảm tử vong. Tuy nhiên, vaccine sốt xuất huyết hiện nay đang tiêm dịch vụ, người dân phải trả tiền, hơn 1 triệu đồng/mũi, tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Nhiều người cũng kỳ vọng vaccine sốt xuất huyết sẽ được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng để giảm gánh nặng chi phí cho người dân. 

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay đang được tiêm miễn phí 11 bệnh, mới bổ sung thêm vaccine Rota vius và năm tới là vaccine HPV phòng ung thư cổ tử cung và vaccine phòng bệnh do phế cầu. Đến 2030, theo dự kiến Nghị quyết của Chính phủ sẽ có 14 bệnh được tiêm chủng miễn phí.

"Hiện tại, chúng tôi rất quan tâm 2 bệnh là tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tuy nhiên, để có chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí, chúng tôi phải có thêm thông tin, có đánh giá tiếp. Ví dụ như đánh giá về gánh nặng bệnh tật, hiệu quả với cộng đồng, gánh nặng về tài chính… để tính toán có đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng bắt buộc cho người dân hay không để đề xuất với Chính phủ và Chính phủ quyết định", ông Đức nhấn mạnh. 

Trần Hằng

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文