Tăng ca mắc viêm não Nhật Bản, nhiều trẻ bị di chứng thần kinh nặng

07:27 03/07/2024

Viêm não Nhật Bản để lại hậu quả nặng nề nếu bị di chứng về thần kinh, nhiều cháu bé sau khi ra viện phải tập phục hồi chức năng với nhiều tổn thương khó lành. Thời tiết nắng nóng trong những ngày qua khiến nhiều ca viêm não Nhật Bản vào nhập viện.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận 2 ca viêm não Nhật Bản vào điều trị và đang phải thở máy, nâng tổng số ca bệnh viện tiếp nhận từ đầu năm đến nay lên gần 20 trường hợp.

Ngày 2/7, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 2 trường hợp, bé gái hơn 3 tuổi ở Bắc Kạn và bé trai 14 tuổi ở Hưng Yên, đều được chẩn đoán viêm não Nhật Bản di chứng. Trước đó, cả hai xuất hiện sốt cao liên tục, co giật, liệt tứ chi. Sau khi khám ở bệnh viện tuyến dưới, các cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung uơng trong tình trạng rất nặng và phải điều trị tăng áp nội sọ. Theo TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện hai cháu đang phải thở máy, liệt tứ chi do di chứng của viêm não Nhật Bản, tiên lượng còn nặng.

Di chứng của viêm não Nhật Bản rất nặng nề đối với trẻ em, đặc biệt là di chứng về thần kinh và vận động. Ảnh minh họa

Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 cũng vừa tiếp nhận nam sinh 16 tuổi (Sơn La) vào viện trong tình trạng nhiễm trùng và tổn thương não cấp tính. Trước đó, nam sinh có biểu hiện sốt cao, hôn mê, liệt tứ chi, rối loạn thần kinh thực vật, được chuyển tuyến lên Bệnh viện TWQĐ 108. Kết quả xét nghiệm xác định nam sinh  bị viêm não Nhật Bản B. Sau khi được điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, hiện tại thiếu niên đã tỉnh, tự thở nhưng còn bị di chứng yếu liệt tứ chi, đặc biệt bên phải, không tự chăm sóc bản thân được.

Trước đó, Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay là bé gái 12 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Mới đầu, cháu bị sốt cao, đau đầu, gia đình cho uống thuốc giảm sốt. Một ngày sau, cháu xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi không vững và gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm não tuỷ cho thấy bé gái dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Theo gia đình, bé gái đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản và mũi cuối cùng tiêm cách đây 5 năm.

TS.BS Đào Hữu Nam cho biết, viêm não rải rác quanh năm, nhưng mùa hè gặp nhiều hơn. Viêm não Nhật Bản có xu hướng giảm nhiều so với các năm trước. Cách đây 10 năm, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 100 ca thì nay khoảng 30-40 ca. Bệnh thường gặp ở trẻ lớn, trung bình từ 5-8 tuổi, lớn hơn nữa là 14 -15 tuổi, thậm chí 16 tuổi vẫn mắc. Trẻ nhỏ nhất là 2 tháng và 5 tháng tuổi, nhưng rất ít.

Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề, thường gặp là di chứng thần kinh. Theo BS Nam, đa phần trẻ vào nhập viện đều trong tình trạng nặng và rất nặng như sốt cao liên tục, co giật, hôn mê, có thể có thần kinh khu trú. Trong vài năm gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần như không có ca viêm não Nhật Bản tử vong tại viện, chủ yếu là di chứng gây tổn thương não, triệu chứng lâm sàng nặng hơn, dù điều trị tích cực áp lực nội sọ nhưng tổn thương não vẫn nặng lên. Trong 92 ca viêm não Nhật Bản năm 2022 có tỷ lệ sống và khoẻ mạnh gần 50%, di chứng xấp xỉ 50% tuỳ mức độ nhẹ và nặng (liệt tứ chi, mở khí quản). Di chứng thường gặp là rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… Có cháu sau sống sót liệt tứ chi sau khi ra viện phải tập phục hồi chức năng, sau 1-2 năm đi lại được tốt, nhưng có cháu di chứng tổn thương về tri giác và vận động còn chưa đánh giá được. 

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, cũng là căn nguyên hàng đầu gây viêm não virus ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus viêm não Nhật Bản được lây truyền qua muỗi đốt, ở Việt Nam được xác định là do muỗi Culex, hay trú ở ruộng lúa nước, nhất là ruộng mạ và phát tán trên cánh đồng, nên còn được gọi là muỗi ruộng đồng. Muỗi gây bệnh sinh sản nhiều vào mùa hè nắng nóng, lúc mưa nhiều (tháng 5,6,7 tại miền Bắc); muỗi thường bay đi hút máu người và súc vật vào lúc chập tối. Vật chủ chính của virus là động vật, quan trọng nhất là chim và lợn (khoảng 80% đàn lợn nuôi trong vùng dịch bị nhiễm virus).

Virus viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất là các tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng tránh viêm não Nhật Bản là không để bị muỗi đốt, đặc biệt người dân trong khu vực gần chuồng trại nuôi lợn, ruộng lúa, lúc chập tối. Vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước từ năm 2014. Nhiều phụ huynh thắc mắc con họ đã tiêm đủ mũi vaccine viêm não Nhật Bản nhưng tại sao vẫn bị mắc bệnh?

Theo BS Nam, vaccine viêm não Nhật Bản tiêm cho trẻ lúc 12 tháng tuổi, sau khi tiêm đủ 3 mũi cơ bản, 1 năm sau nhắc lại mũi tiếp theo. Ba đến 5 năm sẽ tiêm nhắc lại 1 lần theo khuyến cáo đến năm 16 tuổi.

Trần Hằng

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Lào Cai vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án hình sự Sầm Văn Công cùng đồng phạm phạm tội "Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" và "Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ". Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lào Cai đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 4 đối tượng về các tội danh trên.

Đến nay, vẫn còn hơn 400 hộ dân ở các khu vực: Eo Bầu, Hộ Thành Hào, Đàn Xã Tắc và các khu vực khác thuộc phạm vi dự án đã nhận đất tái định cư và tiền bồi thường nhưng vẫn chưa trả mặt bằng cho di tích sau hàng chục năm sống… tạm. Thực trạng này đã ảnh hưởng chung đến công tác chỉnh trang khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Phong trào Hezbollah ngày 7/7 (giờ địa phương) tuyên bố tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào trung tâm giám sát quan trọng của Israel tại Mount Hermon ở Cao nguyên Golan.

Thời tiết nắng nóng tiếp tục diễn ra ở hầu khắp các tỉnh thành ở miền Bắc trong ngày hôm nay. Tại khu vực Trung Bộ nền nhiệt duy trì ở mức cao trên 37 độ C, trời oi bức ngột ngạt. 

Hồi 23h30’ ngày 6/7/2024, Tổ công tác 161 của Công an tỉnh Ninh Bình do Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh chủ trì làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ANTT trên các tuyến đường của phường Đông Thành, TP Ninh Bình phát hiện có một thanh niên đi xe mô tô SH BKS 35B3-066.65 có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành theo dõi, kiểm tra.

Chiều 7/7, Cục Đào tạo, Bộ Công an đã có báo cáo nhanh về Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024. Báo cáo cho thấy, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tại các hội đồng thi trên cả nước, có 2 thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi; không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều bài học đáng tiếc phải trả giá bằng sinh mạng từ các vụ cháy, nhưng việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Hà Nội vẫn bộc lộ hàng loạt bất cập. Vẫn có nhiều nhà trọ, nhà tập thể cũ, nhà dân xây riêng lẻ không đảm bảo điều kiện PCCC. Đáng lo ngại nhất là việc tạo lối thoát hiểm thứ 2 không phải dễ dàng, trong khi nếu xảy ra cháy, trong rất nhiều trường hợp, phương án này là cứu cánh duy nhất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文