Tăng mạnh ca bệnh tay chân miệng nặng

07:55 25/06/2023

Tại miền Bắc đã ghi nhận hơn 1.200 ca bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong đó, chủng virus EV71 gây bệnh rất nặng, khiến nhiều trẻ vào viện đã ở mức độ 3, biến chứng viêm màng não, nguy kịch.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 20 tỉnh phía Nam vào sáng 23/6 cho biết, dịch tay chân miệng đang tăng rất mạnh tại phía Nam (tăng 23%) và đã có nhiều ca tử vong. Trong khi đó, nguồn cung ứng một số loại thuốc đặc trị đang gặp khó khăn do khan hiếm toàn cầu, khiến nhiều bệnh viện lo lắng.

Nhiều trẻ biến chứng thần kinh do nhiễm chủng EV71

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, trong số hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, đã có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 20-30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.

Trẻ bị tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus (A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời".

Vào viện trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt phỏng ở tay chân và miệng, giật mình nhiều khi ngủ, cháu T.A.N (hơn 2 tuổi, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc tay chân miệng, có biến chứng viêm não. Theo người nhà của bệnh nhi, đầu năm cháu đã mắc tay chân miệng một lần nhưng biểu hiện nhẹ hơn, chỉ điều trị tại nhà vài ngày là khỏi. Lần này mắc lại, cho rằng con không bị nặng, nên vẫn để bé ở nhà. Khi có dấu hiệu chuyển nặng, gia đình mới đưa đến bệnh viện. May mắn cho cháu bé, do đến viện kịp thời, nên hiện tại cháu đã tỉnh táo và sắp được ra viện.

Tương tự, bé N.M.Q (12 tháng, Vĩnh Phúc) trước khi nhập viện 2 ngày có biểu hiện sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, nhưng cha mẹ chỉ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Khi trẻ bắt đầu giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới vội vàng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng virus EV71, có biến chứng viêm não.

ThS.BS Đỗ Thị Thuý Nga, Phó trưởng Khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: "Có 2 biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay, Khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não".

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải nhận biết dấu hiệu chuyển nặng của con để nhanh chóng đưa đến bệnh viện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; giật mình nhiều (2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Tìm biện pháp thay thế nếu thiếu thuốc

Trong khi các ca mắc tay chân miệng đang tăng mạnh trong 3 tuần gần đây, nhiều bệnh viện ở phía Nam lo ngại thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã trực tiếp giám sát công tác phòng chống tại đây. Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng với 20 tỉnh khu vực phía Nam vào sáng 23/6, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng EV71, 2 trường hợp tử vong khác. Hiện số ca thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế.

Vào chiều 22/6, báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, điều đáng lo ngại là nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng như lmmunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm toàn cầu. Đầu tháng 6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và hiện đã có một số thuốc đang chờ kiểm nghiệm, dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng 4.000 lọ lmmunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện. Nếu trong trường hợp lmmunoglobulin bị hạn chế thì dựa vào ý kiến chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành TP sẽ siết chặt hơn các giai đoạn điều trị. Việc nhận biết các dấu hiệu bệnh để kịp thời điều trị sớm là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện nay một số loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng phụ thuộc vào nguồn sinh phẩm, vùng nguyên liệu cũng như yêu cầu ngặt nghèo trong quá trình sản xuất, nên phải dự tính được nhu cầu trước để có thể đặt hàng. Vì vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các cơ sở khám chữa bệnh có thể dự báo được nhu cầu sử dụng của các loại thuốc, để phối hợp với các đơn vị cung ứng, sắp xếp nhập thuốc theo số lượng phù hợp. Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế về dược để quản lý và sử dụng tốt hơn, không để xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu thuốc trong điều trị.

Để xử lý vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, các bệnh viện cần dự kiến nhu cầu thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh mới nổi để ngành y tế địa phương kết nối các nhà cung ứng, chủ động lập kế hoạch nhập khẩu. Các bệnh viện cần cập nhật tình trạng thuốc hiện tại, Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể, trước mắt có thể dùng những thuốc thay thế khác.

Trong bối cảnh nguồn cung một số thuốc đặc trị cho các ca bệnh nặng khan hiếm, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, đây là bệnh chuyển biến nhanh, khó lường, nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng mà tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Trần Hằng

Tỉnh Ninh Bình có 16% dân số theo đạo Thiên Chúa Giáo, trong đó Giáo phận Phát Diệm giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam. Tại các xã, thị trấn thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an chính quy vùng đồng bào có đạo đã vừa nỗ lực “gần dân, hiểu dân, sát dân” để triển khai các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文