Tháo gỡ khó khăn thiếu thuốc, vật tư y tế - còn bộn bề việc phải làm…

08:22 16/04/2023

Giữa bối cảnh thiếu thuốc, vật tư, y tế kéo dài gây biết bao khó khăn cho người bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQCP kịp thời tháo gỡ cơ bản tình trạng này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tại nhiều cơ sở y tế, tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế vẫn còn, bệnh nhân vẫn còn phải ra bệnh viện tư để mổ… Việc triển khai 2 văn bản quan trọng của Chính phủ trong ngành Y tế ra sao, còn những "nút thắt" nào cần tiếp tục tháo gỡ, để người dân được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, đến nay, các cơ sở y tế đã tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế như thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, ngày 10/3, Bộ Y tế triển khai Hội nghị hướng dẫn thực hiện cho cơ sở y tế trên toàn quốc với 1.300 điểm cầu tham dự. Đồng thời, các lãnh đạo cơ sở y tế bắt tay vào việc triển khai thực hiện. Như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ hơn 10 ngày sau khi có 2 văn bản trên đã hoạt động mổ phiên trở lại. Bệnh viện Chợ Rẫy đã mua sắm, sửa chữa một số thiết bị, máy móc. Hầu hết giám đốc các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đều cho biết, đã giải quyết được 80-90% công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Hàng loạt khó khăn, vướng mắc tại Bệnh viện Bạch Mai đã từng bước được giải quyết. Thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đến nay đã được bảo đảm tương đối đầy đủ. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động đến nay đã hoạt động trở lại. Chẳng hạn, một thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng, trước đây rất khó khăn để thay, nay Nghị quyết 30 cho phép tiến hành mua linh kiện thay thế nên có thể sửa được ngay. Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của bệnh viện đã hoạt động trở lại sau 2 năm đắp chiếu…

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tháo gỡ được hàng loạt khó khăn liên quan tới quy định trước đây. Bệnh viện đã tiến hành mở 27 gói thầu về vật tư tiêu hao, sửa chữa lớn các trang thiết bị… Nghị quyết 30 và Nghị định 07 giải quyết được khẩn cấp tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Những vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư hoá chất đang từng bước được tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Phóng viên: Theo phản ánh của một số bệnh viện, hiện nhiều nơi còn lúng túng trong công tác triển khai mua sắm, đấu thầu theo Nghị quyết 30; tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế mới chỉ khắc phục được phần nào. Vậy, thực trạng này hiện ra sao, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Công tác đấu thầu, mua sắm không thể hôm nay thực hiện, mai đã mua được, mà phải có độ trễ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 để các bệnh viện thực hiện. Tại Hội nghị hướng dẫn triển khai hai văn bản trên, những câu hỏi, ý kiến của Sở Y tế các địa phương đều được Bộ Y tế ghi nhận và trả lời. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh… Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được.

Hiện nay, theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, một số loại máy móc chẩn đoán vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ, tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh, cần tiếp tục khắc phục. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đầu thầu cơ bản đã được giải quyết, song một số loại sinh phẩm, vật tư có thể không đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng đột biến, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Một số bệnh viện rất thiếu thuốc hiếm.

Trong quý III tới, Bộ Y tế sẽ phải báo cáo cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ đang xây dựng kế hoạch, trong đó giao các đơn vị đề xuất, lấy ý kiến của các cơ quan y tế, sau đó sẽ tập hợp, đề xuất giải pháp từ cơ chế mua sắm, quản lý sử dụng và cơ chế thanh quyết toán đối với nhóm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế dự kiến triển khai ở 6 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu, lựa chọn các bệnh viện trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn và giao quản lý, hướng dẫn sử dụng, điều phối thuốc.

Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Phóng viên: Nhiều bệnh viện đang trông chờ Bộ Y tế sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu với hiệu lực pháp lý cao hơn. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành các thông tư cần thiết, trong đó nội dung quan trọng nhất, cần ưu tiên nhất là hướng dẫn về thuốc, trang thiết bị y tế. Vậy, khi nào các thông tư và nghị định được xây dựng và đưa vào thực tiễn, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Nghị quyết 30 của Chính phủ giải quyết được tình trạng khẩn cấp thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế khẩn trương xây dựng Luật BHYT sửa đổi, Luật Dược sửa đổi, Luật Trang thiết bị Y tế. Đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Luật Giá, Nghị định số 29/NĐ-CP, Nghị định số 151/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC; Thông tư số 277/2016/TT-BTC và Thông tư số 278/2016/TT-BTC.

Trong thời gian sớm nhất Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư sửa đổi thay thế Thông tư 03/2020/TT-BYT và Thông tư 15/2020/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu tập trung. Đồng thời khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn NĐ 07. Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp xây dựng quy chế đấu thầu thuốc, tham gia đấu thầu. Đối với NQ 30, trong quý 2 này sẽ phải xong hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để các cơ sở y tế căn cứ vào thực hiện.

Phóng viên: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở Bệnh viện Mắt Trung ương kéo dài cả năm khiến người bệnh phải ra bệnh viện tư mổ với cái giá đắt đỏ, gây nhiều bức xúc cho người dân. Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn, song đến nay mới chỉ khắc phục được một phần nhỏ, dẫn đến hiện tượng bác sĩ "câu" người bệnh ra các cơ sở y tế tư nhân làm dịch vụ. Bộ Y tế có chỉ đạo gì về vấn đề này, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Cuối năm 2022, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương và đã nắm bắt được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở bệnh viện. Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương đã triển khai thực hiện, đã khắc phục phần nào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hoá chất. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tồn tại để quá trình mua sắm, đấu thầu được thuận lợi, đúng quy định, đảm bảo đủ thiết bị sinh phẩm, hoá chất mổ mắt cho người bệnh.

Về việc bác sĩ "câu" người bệnh ra cơ sở y tế tư nhân làm dịch vụ, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Bệnh viện Mắt Trung ương báo cáo làm rõ thông tin và tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế, tình hình triển khai dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh tại đơn vị. Đồng thời, yêu cầu bệnh viện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 1578/BYT-KCB ngày 30/3/2023 về việc thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 07, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Phóng viên: Theo phản ánh, có hàng nghìn hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao và Bộ Y tế có giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ cấp phép này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Nguyên nhân của việc tồn đọng hồ sơ là do số lượng hồ sơ nhiều, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập và nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế rất thiếu. Bên cạnh đó, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, có hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung, sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử theo dịch vụ công cấp độ 4 nên doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành dẫn đến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu và trên thực tế mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên trong khi nhân lực số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế. Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2024. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tể để hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn bị hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07, các khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu trang thiết bị y tế đang dần được tháo gỡ. Số lượng hồ sơ tồn đọng đang được giải quyết.

Phóng viên: Để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo người dân được khám, chữa bệnh, không còn phải khổ sở khi đi viện không có thuốc, không có vật tư để mổ, không có máy móc để chụp chiếu, Bộ Y tế cần có những giải pháp gì trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã và đang nỗ lực chỉ đạo, điều hành các vấn đề về thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh công lập. Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp chặt với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tham mưu cho các cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 10.300 loại thuốc theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến đăng ký thuốc, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và ban hành thông tư triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật: Bảo hiểm Y tế sửa đổi; Dược sửa đổi; Trang thiết bị y tế. Xây dựng và ban hành thông tư thay thế: Thông tư số 03/2019/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp và Thông tư số 15/2020/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định và Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Bộ Y tế đang hoàn thành việc rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh. Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý II/2023. Bộ Y tế đã giao các đơn vị liên quan triển khai việc xây dựng thông tư, đề xuất các giải pháp thực hiện, để ngày 31/12/2023 hoàn thành, tránh việc bước sang đầu năm 2024 để còn "khoảng trống" về pháp lý.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Trần Hằng (thực hiện)

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文