Tiêm vaccine phòng COVID-19 giúp trẻ phòng ngừa các biến chủng mới

08:16 02/04/2022

Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine tiêm cho trẻ là Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) và Moderna (từ 6 đến dưới 12 tuổi). Qua khảo sát có nhiều phụ huynh đồng ý tiêm cho con. Bên cạnh đó còn nhiều người vẫn băn khoăn bởi liệu có cần tiêm vaccine hay không?

63 tỉnh, thành phố của Việt Nam chuẩn bị tiêm vaccine phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 4 khi vaccine về nước. Theo thống kê, cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em ở lứa tuổi này, Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine tiêm cho trẻ là Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) và Moderna (từ 6 đến dưới 12 tuổi). Qua khảo sát có nhiều phụ huynh đồng ý tiêm cho con. Bên cạnh đó còn nhiều người vẫn băn khoăn bởi liệu có cần tiêm vaccine hay không?

Chị Nguyễn Phương (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, 2 con nhà chị (6 và 9 tuổi) vừa nhiễm COVID-19 khỏi bệnh nên chị khá băn khoăn không biết có tiêm vaccine cho con hay không. Theo chị, 2 con khi mắc COVID-19 triệu chứng đều nhẹ, chỉ sốt nhẹ, sau 1 ngày là hết. "Con đã có kháng thể nên có lẽ tôi cũng chưa cho tiêm đợt này", chị Phương nói.

Còn một phụ huynh ở Hà Nội thì cho biết, con chị nhiễm COVID-19 đến nay đã hơn 1 tháng, không biết đã đủ thời gian tiêm chưa, theo khuyến cáo của nhân viên y tế phường chị sinh sống thì sau khỏi bệnh 3 tháng mới tiêm, trong đó một số khuyến cáo lại cho rằng, khi nào thấy sức khỏe tốt thì tiêm.

Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh đã có con nhiễm COVID-19. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, với trẻ đã mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine nữa hay không?

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) Ảnh: TTXVN.

Theo TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đa phần trẻ em mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Sau khi mắc, trẻ cũng có có kháng thể phòng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, mọi người nên tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay cả khi đã mắc COVID-19. Hiện không có xét nghiệm nào có thể xác định một cách đáng tin cậy một người có được bảo vệ sau khi bị nhiễm virus gây ra COVID-19 hay không. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh COVID-19 giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho hệ thống miễn dịch.

Những người đã mắc COVID-19 và không tiêm phòng sau khi hồi phục có nhiều khả năng bị tái mắc COVID-19 hơn những người được tiêm phòng sau khi khỏi bệnh.  "Vì vậy, những người đã mắc bệnh, bao gồm trẻ em cũng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi mắc bệnh để phòng tái nhiễm và các biến chứng của bệnh. Sau khi trẻ mắc COVID-19 vẫn nên tiêm cho trẻ khi trẻ phục hồi sức khỏe", TS. Huyền nhấn mạnh.

Còn GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc tiêm vaccine trên những người đã mắc COVID-19 là cần thiết. Trẻ em trong lứa tuổi này mắc COVID-19 thường bị nhẹ nên miễn dịch chưa đầy đủ. Kể cả ở người lớn, miễn dịch tự nhiên của COVID-19 không chuẩn hóa bằng miễn dịch của vaccine. Trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 thì 3 tháng sau tiêm vaccine.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào. Đối với vaccine Pfizer trẻ có thể gặp các phản ứng sau tiêm như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt.

Đây là các phản ứng rất thường gặp, có tần suất cao hơn khi tiêm liều thứ 2. Các phản ứng thường gặp khác như buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp hơn gồm nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, riêng phản ứng gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim của vaccine là rất hiếm gặp (thấp hơn 1/10.000). Các báo cáo cho thấy, phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5-11 tuổi là tại vị trí tiêm chiếm trên 80%, kiệt sức chiếm trên 50%, đau đầu trên 30%, tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm trên 20%, đau cơ và ớn lạnh trên 10%.

Tiêm vaccine phòng COVID -19 cho trẻ em làm giảm nguy cơ mắc viêm hội chứng đa hệ thống MIS-C và hậu COVID-19.

Chuyên gia cũng phân tích, vaccine Pfizer dành cho người lớn hoàn toàn khác so với vaccine Pfizer dành cho trẻ từ 5-11 tuổi, từ hình thức, đóng gói, liều lượng... Trong khi đó, quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ cũng phải thực hiện tiêm nhắc lại cho người trên 18 tuổi. Do đó, nhân viên y tế cần hết sức cẩn trọng trong quy trình tiêm chủng, tránh nhầm lẫn giữa 2 loại vaccine này.

Loại vaccine thứ 2 mới được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ em là Spikevax của Moderna. Vaccine này không dùng cho trẻ 5 tuổi mà từ 6 tuổi trở lên. Liều cho trẻ nhỏ bằng một nửa người lớn, mỗi liều 0,25 ml chứa 50mcg vaccine  mRNA.

Phản ứng mà trẻ rất thường gặp khi tiêm vaccine Moderna là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác ở cổ, ở trên xương đòn; đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp như chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp như giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da. Viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim cũng rất hiếm gặp. Phản ứng phản vệ, quá mẫn, đau bụng ghi nhận tần xuất không xác định.

Theo báo cáo, các phản ứng bất lợi nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%). Theo cảnh báo, một số biểu hiện bất thường như kích thích vật vã, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh có thể là các chỉ điểm rất sớm cho tình trạng viêm cơ tim.

Các báo cáo cũng cho thấy, nhiều biến chứng liên quan đến COVID-19 ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, dù không nhiều nhưng đáng lo ngại. Cụ thể như viêm cơ tim, viêm đa cơ quan MIS-C. Một số trẻ mắc hội chứng viêm đa cơ quan mức độ nguy kịch được ghi nhận. GS Phan Trọng Lân cho biết, theo một đánh giá của Hoa Kỳ, khi trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine sẽ giảm được 11,8% tỷ lệ nhập viện, 10% tỷ lệ tử vong.

Vì vậy, việc tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết giúp giảm tình trạng chuyển nặng, giảm nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19, đặc biệt ở nhóm có bệnh nền, béo phì. Ngoài ra, vaccine cũng giảm nguy cơ trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C và hậu COVID-19. Đồng thời, tiêm giúp phòng ngừa các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.

Trần Hằng

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文