Tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em

07:03 14/11/2021

Việt Nam bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và dự kiến đến quý I/2022, hơn 90% trẻ em ở lứa tuổi này được tiêm phòng. Hiện nay, còn khá nhiều phụ huynh chưa đăng ký tiêm vaccine cho con, bởi còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về những phản ứng phụ của vaccine sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ em.

Việt Nam có dự định tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi hay không? Khi nào chúng ta bao phủ vaccine cho trẻ em? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên xung quanh vấn đề này.

PV: Thư Thứ trưởng, xin ông cho biết việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ở nước ta đang thực hiện đến đâu?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tính đến nay, cả nước có 12 tỉnh, TP đã triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào Cai với tổng số vaccine tiêm được hơn 1,2 triệu liều. Nhiều tỉnh, thành khác đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và triển khai ngay khi có vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Chẳng hạn như Hà Nội sẽ triển khai tiêm cho gần 800.000 trẻ em ngay khi được cung ứng vaccine; mục tiêu đến quý I/2022, Thủ đô sẽ tiêm cho trên 95% trẻ em từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, tuy nhiên, do nguồn cung có hạn nên vaccine về đến đâu Bộ Y tế đều tính toán và ưu tiên cho các đối tượng phù hợp.

Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em. Nguyên tắc tiêm chủng là phải đẩy nhanh tiêm cho nhóm tuổi từ 18 trở lên. Mở rộng đối tượng tiêm chủng theo nguyên tắc tuổi từ cao hạ xuống thấp và phải căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine, tình hình dịch bệnh và độ bao phủ cho nhóm 18 tuổi trở lên (trong đó ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên).

PV: Nhiều phụ huynh hiện chưa đăng ký tiêm vaccine cho con vì lo ngại vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ. Một số ý kiến khác lại lo lắng biến chứng viêm cơ tim khi tiêm vaccine này. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đến nay ở Việt Nam có 2 loại vaccine phòng COVID-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Hai vaccine này đều sản xuất theo công nghệ mRNA, nhưng hiện nay nước ta chỉ có vaccine Pfizer nên Bộ Y tế đã quyết định tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ Y tế tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Đến nay đã có gần 40 nước sử dụng vaccine này tiêm cho trẻ em và nhiều nước cũng làm giống chúng ta, đó là tiêm cho lứa tuổi từ cao xuống thấp.

Vaccine Pfizer có thành phần mRNA của virus hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khoẻ sinh sản (rối loạn vô sinh) và một số các bệnh khác như phụ huynh đang lo lắng. Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ cũng khẳng định điều này.

PV: Nhiều phụ huynh còn băn khoăn nếu trẻ không tiêm vaccine thì có được đến trường hay không?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đi học trực tiếp là quyền của mọi trẻ em, vì vậy không phân biệt trẻ có tiêm vaccine hay không. Đối với trẻ đã tiêm và chưa được tiêm vaccine Bộ Y tế đã có hướng dẫn. Đó là căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho trẻ đến trường hay không.

Theo hướng dẫn đó, nếu các địa phương ở cấp độ 1 có thể đưa học sinh đến trường học bao gồm cả các em đã tiêm và chưa tiêm. Đối với cấp độ 2 các em đã tiêm và chưa tiêm có thể vẫn đến trường học nhưng giảm tải khoảng cách về số lượng và kết hợp học trực tuyến. Cấp độ 3, 4 thì căn cứ tình hình cấp độ dịch, trẻ em tiêm hay chưa tiêm vẫn đến trường và kết hợp học trực tuyến.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, tình hình cung ứng vaccine hiện nay và dự kiến đến khi nào thì tiêm chủng hết cho trẻ em từ 12-17 tuổi?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Việt Nam đã có các thỏa thuận cung ứng gần 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Đến nay nước ta đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã phân bổ được 81 đợt vaccine với tổng số 112,7 triệu liều. Cả nước đã tiêm được khoảng 97 triệu mũi vaccine phòng COVID-19. Số lượng vaccine hiện tại đủ bao phủ cho dân số, đồng thời có thể triển khai tiêm mũi 3 vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. 

Gần 800.000 trẻ em ở Hà Nội sắp được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa

Hiện chúng ta đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tuy nhiên tiêm theo hướng hạ dần độ tuổi, tiêm trước cho các cháu từ 16-17, sau đó hạ dần. Do vaccine về theo đợt, có vaccine về là Bộ Y tế phân bổ ngay cho các địa phương. Đồng thời, các địa phương lập danh sách trẻ em từ 3-11 tuổi, để tránh sót; từ cấp xã không được để sót trẻ em chưa tiêm vaccine, bảo đảm tối đa 95% trẻ em chỉ định tiêm chủng vaccine COVID-19 phải tiêm đủ liều cơ bản. Trên cơ sở đó, lên kế hoạch số lượng vaccine dự trù và gửi về Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch cung ứng vì vaccine tiêm cho độ tuổi này không như các vaccine đang triển khai hiện nay.

Mới đây nhất, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và kết quả tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Theo đó, dự kiến trong tháng 11-12/2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 và phân bổ để tiêm chủng đủ liều vaccine cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên.

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nếu từ nay đến cuối năm chúng ta bao phủ được lượng lớn vaccine cho trẻ em, việc quay trở lại trường của các em có được kỳ vọng hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Theo nhận định của WHO, tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022 còn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc, chưa thể dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không. Các nước trên thế giới đã thay đổi biện pháp chống dịch trong tình hình mới. Việt Nam cũng phải có giải pháp để thích ứng, vừa chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay trên thế giới đã có 105/134 quốc gia mở cửa các trường học trở lại. Chính phủ đã căn cứ vào diễn biến dịch ở thế giới, trong nước, tiêm vaccine để ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800. Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt trên 86%. Các tỉnh miền Nam tỷ lệ này còn cao hơn. Vì vậy, sắp tới, các trường căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương để quyết định cho học sinh đi học.

Việc cho trẻ đi học cần phải linh hoạt theo cấp độ dịch của mỗi địa phương và căn cứ vào tỷ lệ tiêm vaccine của trẻ. Sở Y tế và Sở GD&ĐT các địa phương rà soát lại và yêu cầu các trường phải xây dựng phương án chống dịch thích ứng trong tình hình hiện nay, căn cứ vào cấp độ dịch để cho học sinh đi học trực tiếp hay không.

Vừa qua, có nhiều người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn nhiễm COVID-19, vì vậy, dù trẻ đã tiêm vaccine thì nguy cơ lây nhiễm vẫn xảy ra. Nếu trường học mở cửa trở lại, các phụ huynh và nhà trường vẫn phải tuyên truyền, nhắc nhở trẻ em thực hiện 5K một cách phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Các trường cần rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của các trường học. UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các trường học từ tiểu học đến cao đẳng, đại học trên địa bàn phải xây dựng kế hoạch phòng chống COVID-19 và phương án xử lý F0. Sau đó, Ban chỉ đạo chống dịch cấp huyện sẽ phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch của từng trường.

PV: Thưa Thứ trưởng, một số địa phương đang kiến nghị tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi. Vậy Bộ Y tế đã tính đến kế hoạch này hay chưa?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của WHO, kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia trên thế giới và các loại vaccine đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi.

Trước đó, Bộ cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đối với trẻ em từ 5 - 11 tuổi, một số nước cũng đã có dữ liệu tiêm nhưng còn ít. WHO cũng khuyến cáo chưa vội tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Hiện, Hội đồng tư vấn Tiêm chủng Quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5 - 11 tuổi, tuy nhiên phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó.

Vấn đề này chúng ta vẫn còn đang cân nhắc, bởi tiêm cho lứa tuổi này cần phải thận trọng trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm từ thế giới. Nếu tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi và người từ 18 tuổi trở nên cao, thì cũng có nghĩa lứa tuổi này được bảo vệ tốt hơn.

PV: Ông có khuyến cáo gì cho các bậc phụ huynh còn đang băn khoăn về việc chưa cho con tiêm vaccine?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, một số vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, gần 40 quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17.

Với vaccine Pfizer mà Việt Nam sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên. Đến nay 12 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em được hơn 1,2 triệu liều, chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm. 

Các địa phương cần tuyên truyền cho phụ huynh thấy được lợi ích của vaccine và nên tìm hiểu rõ tác dụng phụ của chúng. Mặc dù chúng ta còn cần thêm thời gian để đánh giá trong việc triển khai tiêm vaccine này với trẻ em Việt Nam, song tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp tối ưu nhất với các em hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trần Hằng (thực hiện)

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文