Tiền Giang triển khai 74 Trạm Y tế lưu động
TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã triển khai 17 Trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế, độ phủ vaccine đạt gần 67% và có khoảng 3.500 F0 đã điều trị khỏi bệnh.
Sau chiến dịch tầm soát cộng đồng lần 2, Tiền Giang có 7 huyện, thị xã trở về trạng thái bình thường mới. Huyện Gò Công Đông ở mức nguy cơ, TP Mỹ Tho, Châu Thành và huyện Chợ Gạo, 3 địa phương ở mức nguy cơ cao đang nỗ lực dập dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu trong 5 ngày, các địa phương thực hiện quyết liệt biện pháp, khẩn trương tách F0 ra khỏi cộng đồng, thiết lập, mở rộng “vùng xanh” và tiến tới kiểm soát được dịch bệnh.
Riêng huyện Châu Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phân công 23 thành viên Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, trực tiếp phụ trách từng xã, phường thị trấn để xử lý các vấn đề liên quan. Địa phương này nhanh chóng xét nghiệm tầm soát bóc tách F0, xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh đặc biệt ổ dịch Trung tâm Y tế, ổ dịch tại các xã Vĩnh Kim, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây.
Đến ngày 17/9, tỉnh Tiền Giang đã triển khai 74 Trạm Y tế lưu động tại TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Chợ Gạo, Cai Lậy và Châu Thành.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo - Giám đốc Sở Y tế, dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần. Các chuỗi ca bệnh cơ bản được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên một số địa phương tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới tại các chùm lây nhiễm đang diễn tiến, trong khu vực phong toả và chiến dịch xét nghiệm cộng đồng.
TP Mỹ Tho có gần 6.000 ca nhiễm COVID-19, chiếm 41,6%. Trong đó khoảng 3.500 người đã điều trị khỏi bệnh, độ phủ vaccine đạt gần 67%. “Dịch bệnh đang có xu hướng giảm dần. TP Mỹ Tho cần quản lý chặt sự di chuyển của người dân từ giữa các vùng nguy cơ, phong tỏa chặt và tiếp tục xét nghiệm rộng tại phường 2, 3 và 8”, bác sĩ Nguyễn Văn Trạng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho, nói.
TP Mỹ Tho đã triển khai 17 Trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mỗi trạm bố trí từ 5-6 nhân sự, gồm: bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ Công an, tình nguyện viên và trang bị giường cấp cứu, bình oxy và tổ cấp cứu lưu động để hỗ trợ người dân.
Mỹ Tho cũng là địa phương đầu tiên của Tiền Giang đã phối hợp với Hội Y học ban hành phương án quản lý, theo dõi và điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng. Từ đầu tháng 9 đến nay, TP Mỹ Tho có 16 F0 điều trị tại nhà. Các F0 phần lớn là y bác sĩ và người thân, báo cáo tình hình mỗi ngày. Các trường hợp này có chỉ số nồng độ vi rút thấp (giá trị CT >=30), sức khỏe hồi phục tốt và ổn định.
Từ ngày 1/9, thị xã Gò Công đã thí điểm 3 F0 điều trị tại nhà. Ông Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công cho biết: Các trường hợp này đã hai lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Trong thời gian giãn cách xã hội, thị xã Gò Công thành lập các Đội Y tế lưu động, gồm: bác sĩ, điều dưỡng, lái xe và cán bộ Công an, phụ trách việc hỗ trợ việc thăm khám y tế cho người dân, đặc biệt là các khu phong tỏa và hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. UBND thị xã Gò Công đã củng cố thành lập 12 Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường.
Kể từ khi có ca đầu tiên ngoài cộng đồng vào ngày 5/6, đến nay Tiền Giang đã ghi nhận 12.468 F0, trong đó hơn 9.000 người đã khỏi bệnh (72,8%). Số bệnh nhân F0 đã giảm, các cơ sở điều trị (tầng 1 và 2), còn khoảng 60% công suất với hơn 3.000 giường bệnh có thể thu dung và điều trị.
Các sơ sở điều trị tầng 3 (điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân có bệnh nền kèm theo) hoạt động với 90% công suất. Trung tâm Hồi sức hoạt động gần 100% công suất, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị giảm được đưa xuống tầng điều trị hoặc cho ra viện trong ngày.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, kết quả này nhờ vào việc thực hiện đúng các chiến lược và biện pháp can thiệp kịp thời, như: chiến dịch tầm soát cộng đồng; phong tỏa nghiêm ngặt; tăng cường các tổ chuyên môn hỗ trợ trực tiếp các ổ dịch mới xảy ra và huy động cán bộ ở các địa phương bình thường mới, hỗ trợ cho địa phương có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày có xu hướng giảm dần, trong 14 ngày qua từ 276 ca/ngày xuống 163 ca/ngày.
Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét hỗ trợ sinh phẩm test nhanh, trang phục phòng hộ cá nhân phục vụ cho chiến dịch xét nghiệm cộng đồng. Tăng cường bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn về hồi sức cấp cứu đễ hỗ trợ cho Trung tâm Hồi sức COVID-19 và các Bệnh viện thuộc tầng 3. Phân bổ thêm vắc xin để tăng tỷ lệ bao phủ trong người dân, hiện tại tỷ lệ người dân trong độ tuổi tiêm đạt chưa đầy 20%. Hỗ trợ hệ thống oxy bồn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, từ tầng 2 trở lên.