Tìm ra "thủ phạm" khiến hơn 400 công nhân ở Vĩnh Phúc bị ngộ độc
Kết quả của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, vi khuẩn Bacillus Cereus có trong canh chua giá đỗ là nguyên nhân gây ngộ độc làm hơn 400 công nhân của Công ty Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam phải nhập viện cấp cứu.
Theo ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ngày 14/5 khiến 438 người nhập viện cấp cứu với các triệu chứng phổ biến như nôn, chóng mặt, đi ngoài. Các triệu chứng xuất hiện nhanh và cũng hết nhanh chỉ sau 1-2 ngày. Sau 1 tuần điều trị, tất cả các bệnh nhân đều được ra viện.
Ngoài việc chỉ đạo cấp cứu cho các bệnh nhân, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Cùng với đó, tiến hành xét nghiệm từ bếp ăn, không khí, mặt bàn, dụng cụ ăn uống...
Đến 21/5, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả kiểm nghiệm và xác định vi khuẩn Bacillus Cereus có trong canh chua giá đỗ là nguyên nhân gây ngộ độc. Loại vi khuẩn này có độc tố chính là 2 yếu tố gây nôn và tiêu chảy, các triệu chứng lâm sàng mà các công nhân gặp phải cũng phù hợp với kết luận này.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam có bếp ăn tập thể để nấu cơm cho công nhân. Bữa trưa nghi gây ngộ độc hôm đó gồm thịt gà xào sả ớt, súp lơ xanh, dưa muối và canh chua. Món canh chua giá đỗ tìm thấy vi khuẩn Bacillus Cereus gồm giá đỗ, me, hành lá và nước.
Theo ông Trung, sau điều tra, khẳng định nước không có vấn đề. Nhưng phát hiện có 6kg giá đỗ được mua thêm ở chợ Vĩnh Yên do bếp ăn bị thiếu. Đơn vị đặt rau cung cấp cho bếp ăn có đủ giấy tờ nhưng lại mua rau ở chợ. Đây là lỗ hổng. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục truy xuất.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Vi khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.
Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng từ 4 đến 48 độ C, sinh sôi nhiều trong khoảng 28 đến 35 độ C. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6h sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.
Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng (dù hiếm gặp), tùy thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, điều trị cấp cứu...
Để phòng tránh, bác sĩ khuyến cáo mọi người thường xuyên vệ sinh lau rửa tủ lạnh sạch sẽ. Thực phẩm nấu xong nên ăn liền hoặc để nơi thoáng, sạch, không để thực phẩm sống và chín gần nhau.
Người dân không dùng thức ăn bị ôi thiu. Thực phẩm đã nấu chín không nên để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ, đặc biệt là thịt. Nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn, nên vứt bỏ vì việc hâm nóng cũng không thể giúp đảm bảo an toàn. Hâm nóng thức ăn từ 74 độ C trong hơn 15 giây, bởi nếu chỉ hâm cho đến khi vừa bốc hơi là không đủ để vô hiệu hóa độc tố.