Tôn vinh hai người chết não hiến tạng giúp 10 người tái sinh
Chiều 11/12, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia và Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” đối với hai người chết não hiến tạng ở Hà Nội và Bắc Ninh. Nghĩa cử cao đẹp của hai người hiến tạng một lần nữa lan toả sự tốt đẹp trong xã hội.
Ông Đào Đức Thắng (Tiên Du, Bắc Ninh) - bố anh Đào Đức Lợi nghẹn ngào chia sẻ: “Lợi là con trai lớn trong gia đình, khi bị tai nạn, gia đình đưa con lên Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu nhưng do quá nặng, bệnh viện trả về. Trong lúc con nguy kịch, vợ tôi đang ở nước ngoài, gia đình rối bời, trong thâm tâm tôi vô cùng đau đớn trước hung tin đột ngột. Lúc đó tôi nghĩ đến việc hiến tạng, để tạng của cháu cứu những người khác, cũng như một phần an ủi, làm việc thiện tâm cho đời”.
Người cha trào nước mắt khi kể lại quá trình làm công tác tư tưởng cho cả hai bên nội ngoại, gọi điện cho vợ khi đó đang ở bên Đức, không thể về kịp lúc con nguy cấp. Cả gia đình từ vợ ông, các chú, các bác của cháu đều đồng ý hiến tạng. Con trai gần 30 tuổi chưa cống hiến gì cho gia đình và xã hội nên nguyện vọng của ông và gia mong muốn con làm việc có ích cho đời, trao sự sống cho những người bệnh thập tử nhất sinh.
Tháng 9/2022, sau khi anh Lợi mất, anh đã hiến các tạng của mình để cứu sống nhiều người khác. “Đến nay đã 3 tháng, tôi không biết tạng của con mình đã ghép cho những ai, nhưng biết nhiều bộ phận của cơ thể con đã cứu sống nhiều người, biết một phần cơ thể của con còn sống trên cõi đời, chúng tôi thấy nguôi ngoai hơn, bớt đau buồn hơn”, người cha chia sẻ. Chia sẻ về quyết định hiến tạng của mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng Hải (50 tuổi, Hà Nội) – con gái bà cho biết: “Tâm nguyện của mẹ tôi khi còn sống là hiến tạng. Khi mẹ lâm bệnh nặng, bác sĩ tận tâm cứu chữa cho bà cũng nói những rủi ro mà gia đình cần chuẩn bị tâm lý trước, bản thân tôi khi đó cũng không nghĩ đến hiến tạng. Khi chú tôi gợi ý có thể hiến tạng cho mẹ được không, lúc ấy tôi mới nhớ mẹ có tâm nguyện này, vì thế chúng tôi đã thực hiện di nguyện của mẹ”.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết: Hai người hiến tạng qua đời vì những nguyên nhân khác nhau, nhưng cả 2 gia đình đều mong muốn thực hiện di nguyện cuối cùng của họ. Trong giây phút đau đớn nhất của 2 gia đình, người thân đã quyết định hiến tạng với mong muốn tạng của 2 bà Hải, anh Lợi được sống trong cơ thể người khác.
“Phần thân thể của 2 người đã cứu sống được gần 10 người từ tim, gan, giác mạc… Những người cận kề cái chết nếu không có sự hiến tạng của anh Lợi, bà Hải thì chắc chắn sẽ không qua khỏi. Mặc dù họ đã từ giã chúng ta, nhưng một phần cơ thể của họ đã sống ở những nhiều người, nhiều nơi trên cõi đời này”, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia xúc động nhấn mạnh.
Theo PGS Hệ, trong cùng lúc, để thực hiện đồng loạt các ca ghép tạng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở y tế ở khu vực miền Bắc. Anh Lợi được Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh chăm sóc hết lòng, cũng như phối hợp vận chuyển tạng lên Hà Nội. Bà Hải là trường hợp đầu tiên được điều trị, chăm sóc ở bệnh viện chưa từng ghép tạng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và Trường Đại học Y Hà Nội đã giúp đỡ thực hiện di nguyện của gia đình chuyển tạng, mô đến các bệnh viện khác để đồng loạt ghép. Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tất cả các tạng của bà Hải và anh Lợi đều được đồng loạt ghép tại các trung tâm ghép tạng lớn ở phía Bắc. Đến nay, các tạng ghép đều rất tốt, không có trường hợp nào thất bại. Theo thống kê, tới nay đã có hơn 100 người hiến tạng sau chết não và việc làm nhân văn này càng ngày nhân rộng.
“Tính đến đầu tháng 12/2022, cả nước có hơn 61 nghìn người đăng ký hiến mô tạng, đây là minh chứng cao nhất của lòng nhân văn lan toả. Mỗi lá đơn đăng ký hiến mô, tạng đã viết lên dòng chảy văn hoá mới, đó là dòng chảy văn hoá tận hiến của người dân Việt Nam. Sự ra đi của những người hiến tạng không bao giờ vô nghĩa. Đây là hình ảnh rất đẹp, cho thấy cuộc sống vẫn lan toả những điều tốt đẹp”, ông Phúc nhấn mạnh.