Trời nồm ẩm, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao
Thiết tiết nồm ẩm ở phía Bắc khiến trẻ em mắc các bệnh về hô hấp phải nhập viện tăng rất mạnh, nhiều bệnh viện đã kín giường, thậm chí phải nằm ghép. Đặc biệt, bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) tăng đáng kể, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản phải thở oxy, thở máy.
Dưới 1 tháng tuổi đã mắc virus hợp bào phải thở oxy
Chiều 4/4, có mặt tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận rất đông trẻ phải nhập viện. Khoa Nhi đã kín giường bệnh, thậm chí có giường còn phải nằm ghép. Theo các bác sĩ, các bệnh lý về đường hô hấp tăng đáng kể, nhất là các bệnh nhi nhập viện do viruss hợp bào hô hấp, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.
Nằm tại Phòng Sơ sinh là 2 bé dưới 1 tháng tuổi đang phải thở oxy do mắc virus RSV. Theo BS Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, 2 bé vào nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, biến chứng viêm phổi, đang phải thở oxy và điều trị kháng sinh. Gia đình các cháu cho biết, cách vào viện 4 ngày, các cháu bị ho, sốt, khò khè, thấy còn tiến triển nặng hơn nên đã cho đến viện.
Tại phòng bên cạnh, có 3 bé bị nhiễm virus hợp bào đang điều trị, trong đó có 2 bé gái sinh đôi (Hà Nội) được 2 tháng tuổi. Theo mẹ của hai bé, trước đó 3-4 ngày các cháu húng hắng ho, sau đó sốt, gia đình theo dõi thấy con không đỡ, thở khò khè nên đã đưa đến viện. Nhập viện ngày 3/4 trong tình trạng suy hô hấp, khó thở, ăn kém, hai bé được các bác sĩ cho thở oxy. “Hai bé mới nhập viện hôm qua, đang bội nhiễm có dấu hiệu viêm phổi phải điều trị kháng sinh, hôm nay các cháu chưa cai oxy nên chưa tiên lượng được bệnh”, BS Sang đánh giá.
Con gái 4 tháng tuổi nhập viện vì nhiễm virus hợp bào hô hấp, chị Hồ Thị Phương Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Hôm nay đã ngày thứ 5 cháu nhập viện nhưng bác sĩ tiên lượng tăng liều kháng sinh, chắc viêm phổi của cháu còn nặng. Hiện, mỗi ngày cháu tiêm 2 lần kháng sinh và 1 lần kháng viêm”. Theo chị Phương Anh, trưa 30/3, thấy con sốt cao, thở mệt mỏi, ngay buổi chiều chị cho con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc virus hợp bào RSV và bội nhiễm viêm phổi.
“Do Bệnh viện Nhi Trung ương hết giường nên tôi liên hệ tới các bệnh viện khác để đưa cháu đến điều trị. Tuy nhiên, tôi gọi tới 4 bệnh viện tư nhân và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng không còn giường, may mắn Bệnh viện Thanh Nhàn còn nên cho con tới đây”, chị Phương Anh nói. Tuy nhiên, vào điều trị tới ngày thứ 3 thì bé gái có dấu hiệu chuyển nặng, thở khò khè, bác sĩ phải cho bé thở oxy. Theo BS Sang, tình trạng viêm phổi của cháu bé chưa được cải thiện nên bác sĩ chỉ định tăng liều kháng sinh.
Chị Phương Anh cho biết, bé gái là con thứ 3 trong gia đình, trước đó, lo cháu lây từ anh và chị đang học mầm non vì lớp của anh chị cháu có gần 10 trẻ phải nghỉ học vì ốm. Do biết về virus hợp bào nên thấy cháu ho, sốt, gia đình đưa đến viện ngay.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm tới giữa tháng 3 ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh nhiễm virus hợp bào hô hấp vào nhập viện, trong đó có nhiều trẻ suy hô hấp và biến chứng sang viêm phổi, viêm tiểu phế quản, nhiều trẻ phải thở oxy, thậm chí có trẻ phải thở máy.
Bệnh chưa có thuốc điều trị
BS Nghiêm Thị Mai Sang cho biết, các bệnh nhi nhập viện do virus hợp bào RSV trong thời gian gần đây đa số trong tình trạng khò khè, một số cháu bị suy hô hấp. Các bệnh nhân suy hô hấp do virus RSV đa phần gặp ở các trẻ nhỏ, dưới 2 tháng, lý do có thể virus này gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nhanh, đặc biệt với trẻ nhỏ hệ miễn dịch kém như trẻ sơ sinh. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.
Khoa Nhi hiện có 80 trẻ chủ yếu mắc các bệnh viêm đường hô hấp đang phải điều trị, 1/4 trong số đó là trẻ mắc virus hợp bào. Theo BS Trang, những bệnh nhi mắc virus hợp bào biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi điều trị khá khó khăn. Bởi virus này không mới nhưng gây bệnh nặng, điều đó đã được thống kê từ trước tới nay. Bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mãn tính… RSV có 2 tuýp, tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng; tuýp 2 gây sốt nhẹ, thậm chí không sốt. Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8-22% trên toàn thế giới.
“Đây là virus gây suy giảm miễn dịch, hiện không có thuốc điều trị cho virus RSV nên chủ yếu chăm sóc, hỗ trợ nâng cao thể trạng cho các bé. Virus hợp bào hô hấp hay đồng nhiễm hơn các loại virus, vi khuẩn khác, vì thế các trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm”, Phó trưởng Khoa Nhi cho biết thêm. Do bệnh lý này lây qua đường hô hấp, qua các dịch tiết do sờ vào bề mặt có virus bám dính hoặc virus bay lơ lửng trong không khí nên dễ lây nhiễm. Khi virus RSV đi vào cơ thể qua đường mũi sẽ gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp; virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.
“Virus này gây triệu chứng rất giống với các bệnh đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp, sốt giống cảm lạnh thông thường. Do vậy, để phụ huynh phân biệt rất khó. Trẻ nếu có biểu hiện ho, khò khè, sốt thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện khám và chẩn đoán bệnh”, BS Trang khuyến cáo.